Honda Việt Nam: Có vô tình bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng?

10/12/2019 15:22:26

Phải mua xe tại đại lý có giá chênh lệch lớn so với niêm yết của hãng, giá xe trên hóa đơn khác với số tiền phải bỏ ra, dòng xe cao cấp nhưng chỉ 1 lỗi nhỏ đã phải thay phụ tùng… quyền lợi của người tiêu dùng có bị “bỏ quên”?

Honda Việt Nam: Có vô tình bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng?

Vào dịp cuối năm, các loại hàng hóa từ thực phẩm, đồ ăn uống cho tới các sản phẩm tiêu dùng đều có xu hướng tăng giá, thậm trí giá sẽ cao hơn thời điểm bình thường khá nhiều. Với các hãng xe máy cũng không ngoại lệ. Trong đó, Honda Việt Nam là một trường hợp điển hình. Cụ thể, cứ đến dịp cuối năm các đại lý Honda (Head) lại đua nhau làm giá các sản phẩm chủ lực của mình, đặc biệt có thể kể đến những cái tên thường xuyên có mức tăng đột biến như: SH, SH Mode, Airblade, Lead, Vision… với khả năng đội giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Điển hình như mẫu xe SH đang có giá bán thực tế tại các đại lý cao hơn đề xuất trước đây từ 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, các bản 125i thế hệ mới của SH cũng cao hơn từ 10-15 triệu đồng so với giá đề xuất.

Việc đội giá như vậy vẫn diễn ra nhiều năm qua và có ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng khi họ phải mua xe máy với giá cao hơn rất nhiều giá đề xuất trên trang chủ của Honda, nhiều người trong số đó không khỏi bức xúc nhưng không biết phải “tỏ cùng ai”.

Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng cục Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết mối quan hệ giữa Honda và các đại lý là “mua đứt bán đoạn” rất chặt chẽ, khiến cục khó lòng tìm cách giúp đỡ người tiêu dùng. “Hiện tại, Honda Việt Nam và các Head làm việc kiểu “mua đứt bán đoạn” xe máy, nên chúng tôi cũng không còn cách nào. Chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng mua nơi khác hoặc tìm sản phẩm thay thế”, ông Tuấn nói. Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết Cục cũng đã làm việc với nhà máy Honda và các đại lý. “Bên phía Honda Việt Nam có hợp đồng cụ thể với các đại lý về việc mua bán xe máy này. Giá trên trang chủ chỉ là giá tham khảo, trong hợp đồng có ghi rõ rằng họ không can thiệp vào giá bán của đại lý”... Thậm chí, các đại lý còn tranh nhau mua và phải đặt tiền trước cho Honda Việt Nam?

Mặt khác, đại diện phía Honda Việt Nam cũng thông tin báo chí về việc các đại lý tăng giá bán xe máy. Theo đó, nhà sản xuất Nhật Bản không thể yêu cầu các Head bán đúng giá đề xuất: “Các đại lý là đơn vị kinh doanh độc lập, Honda Việt Nam cũng không thể yêu cầu đại lý làm chuẩn về vấn đề giá xe được”.

Không những vậy, nhiều ý kiến cho rằng giá xe mà các Head đưa ra không chỉ khác so với giá đề xuất mà còn khác so với giá ghi trên hóa đơn. Hoá đơn VAT xuất ra cho khách hàng mua xe luôn chỉ ghi số tiền bằng với giá công bố chính hãng. Phần chênh lệch hoàn toàn không có trong giá trị hoá đơn, đồng thời không phải nộp thuế VAT. Với thực trạng này, người tiêu dùng phải chịu giá đắt, các đại lý siêu lợi nhuận trong khi nhà nước thất thu thuế đáng kể. Với mức chênh giá trung bình từ 5-20 triệu đồng, ước tính các đại lý xe máy Honda đã bỏ túi không cần kê khai thuế VAT hàng chục tỉ đồng?

Theo quy định hiện hành, phí trước bạ xe máy được nộp trên cơ sở giá tính phí là giá trị xe ghi trên hóa đơn VAT. Tuy nhiên, nếu giá xe ghi trên hóa đơn thấp hơn mức giá tại Bảng giá tối thiểu tính phí trước bạ do Bộ Tài chính ban hành thì mức phí trước bạ sẽ nộp theo bảng giá của Nhà nước. Ngược lại, nếu giá xe trên hóa đơn ghi cao hơn giá so với Bảng giá tính phí do Bộ Tài chính ban hành thì người mua xe máy sẽ phải nộp phí trước bạ theo giá trị thật của xe trên hóa đơn.

Chính vì vậy, trong giao dịch mua bán xe Honda chênh giá nhưng không ghi đủ vào hóa đơn hiện nay, thường có sự thỏa hiệp giữa chính khách hàng và đại lý. Khi hóa đơn ghi thấp hơn mức giá bán thật, khách hàng "trốn" được một khoản phí trước bạ, còn các đại lý trốn kê khai đủ thuế VAT theo giá trị hàng hóa thực tế đã bán. Việc cố tình thông đồng, hoặc vô tình trốn thuế VAT trong hoạt động mua bán xe máy kéo dài nhiều năm một cách công khai là không thể chấp nhận. Chính Honda Việt Nam cũng là 1 yếu tố góp phần gây ra tình trạng này, họ đẩy hàng cho đại lý rồi để mặc các đại lý tự quyết định giá bán 1 cách vô tội vạ. Honda Việt Nam chỉ biết thu lời chứ không quan tâm đến thiệt hại của người tiêu dùng Việt Nam cũng như thiệt hại do thất thu thuế của ngân sách nhà nước.

Honda Việt Nam: Có vô tình bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng? - 1
Không chỉ vậy, việc kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường cũng là một nghi vấn mà người tiêu dùng đặt ra, liên quan đến trách nhiệm của phía Honda Việt Nam. Trước đó, Sở hữu trí tuệ online đã có bài “Honda Việt Nam: Có kiểm tra sản phẩm trước khi bán ra thị trường?” phản ánh về việc khách hàng bỏ ra một số tiền lớn mua dòng sản phẩm Honda SH Mode mới nhất trên thị trường. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng và bị thủng lốp thì được phía Honda Việt Nam phản hồi lại rằng dòng xe mới mua nếu bị lỗi chỉ có thể thay săm mới chứ không thể vá.

Cụ thể, chị Nguyễn Thị Thu H. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội), vào ngày 7/9/2019, có mua 1 chiếc xe SH mode bản mới nhất năm 2019 tại cửa hàng xe máy của Honda, địa chỉ 18 Lê Đức Thọ - Nam Từ Liêm – Hà Nội (Công ty Hồng Hạnh – đại lý của Honda Việt Nam - pv) với giá 56.000.000 đ (năm mươi sáu triệu đồng).

Chị H. sử dụng chiếc xe máy trên cho sinh hoạt cá nhân và gia đình của mình. Đến ngày 5/10/2019, trong lúc di chuyển trên đường, chiếc xe vừa mua đã cán phải đinh (theo lời chị H. nói thì chiếc đinh rất nhỏ - pv) và bị xuống hơi. Vì tiện đường nên chị H. đã mang chiếc xe của mình vào cửa hàng đã mua để xử lý. Tại đây, nhân viên đã tháo lốp xe và tiến hành vá bên trong lốp rồi giao lại cho chị. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày chiếc xe lại hết hơi như lúc chưa vá, chị H. một lần nữa lại mang xe đến cửa hàng để “vá lại”? Lần này sau khi kiểm tra lốp, nhân viên kỹ thuật cho biết, không thể vá và tư vấn chị H. nên thay lốp mới (loại lốp của Vision có cùng cỡ và có thể vá trong được - pv). Vì đang bận công chuyện, nên sau một hồi đôi co chị H. đã chấp nhận bỏ ra 600.000 đ để thay lốp mới.

Khi nghe chị H. kể lại, anh T., chồng chị đã ra cửa hàng lấy lại chiếc lốp xe đã thay ra, đồng thời yêu cầu nhân viên giải thích tại sao xe mới mua 1 tháng, lần đầu tiên thủng lỗ nhỏ mà lại không thể xử lý được, bắt buộc phải thay mới? Nhân viên ở đây cho biết, qua kiểm tra thực tế thì thấy chiếc lốp đi theo xe khi thủng không thể vá, bắt buộc phải thay. Thậm chí họ còn “an ủi” anh T. rằng “chẳng qua là anh đen, anh phải chịu”?.

Mang nỗi bực bội ghé qua vài cửa hàng khác để hỏi, anh T. đều nhận được câu trả lời là dòng xe SH mode khi thủng vẫn vá trong bình thường??? Cực chẳng đã, anh T. liền gọi điện cho tổng đài của công ty Honda Việt Nam để trình bày lại sự việc và mong tìm lại câu trả lời cho mình. Một nữ tư vấn viên tiếp nhận sự việc của anh T. và khẳng định đối với dòng xe SH mode vẫn có thể vá trong. Người này còn hỏi rất kỹ về việc đã mua ở đâu, vá thế nào. Và còn có ý nói liệu người thợ có kỹ thuật vá hay không…

Honda Việt Nam: Có vô tình bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng? - 2
Chiếc xe của chị H. và chiếc lốp mới thay

Sau khi trình bày lại sự việc thêm một 1 lần nữa, anh T. nhận được câu trả lời là sẽ chuyển sự việc của anh đến bộ phận chuyên môn, và sẽ có câu trả lời cụ thể?

Đến lần thứ 2 gọi điện lên tổng đài, anh T. đã được trả lời rằng, đối với dòng xe SH mode bản mới nhất sẽ không thể vá và bắt buộc phải thay lốp. Bức xúc vì câu trả lời không thỏa đáng, và cho rằng Honda Việt Nam đã “cố tình” dấu giếm khách hàng về vấn đề này, để tất cả những người mua dòng xe trên khi thủng lốp đều phải thay mới. Anh T. đã nói sẽ đưa việc này đến cơ quan báo chí mong làm sáng tỏ.

Ngày 22/10/2019, một người xưng là nhân viên của công ty Honda Việt Nam gọi điện cho anh T., với mong muốn được chia sẻ về sự việc và đại diện cho công ty xin lỗi anh về sai xót kể trên. Người này cũng cho biết đã đưa thông tin của anh T. cho bộ phận kỹ thuật, và công đoạn sản xuất sản phẩm là bí mật nên không thể nói rõ ra được? Tuy nhiên, vì cho rằng không khuyến cáo và báo trước về việc lốp xe không thể vá được khi bán cho khách hàng, anh T. cần một sự giải thích chi tiết hơn. Anh cũng thẳng thắn trao đổi với đại diện của Honda rằng: “Nếu xác định đây là lỗi, thì cần có cách khắc phục. Thậm chí là thu hồi lại toàn bộ sản phẩm. Không thể nào bắt khách hàng bỏ ra mấy chục triệu mua sản phẩm, rồi vừa sử dụng và bị thủng lốp lại phải thay lốp mới. Nếu Honda nói việc này từ đầu, không biết có ai dám mua sản phẩm này không ???”. Anh T. nói thêm rằng, với 1 thương hiệu lớn như Honda thì nên có biện pháp tích cực để bảo vệ uy tín của mình. Sự việc trên sẽ đặt câu hỏi cho việc kiểm định chất lượng sản phẩm của hãng khi đưa ra thị trường.

Qua sự việc trên người tiêu dùng sẽ có nhiều câu hỏi hoài nghi, liệu Honda Việt Nam có biết sản phẩm này của mình không thể vá, và khi thủng sẽ phải thay lốp mới hay không? Nếu biết trước tại sao không khuyến cáo người tiêu dùng khi đưa sản phẩm ra thị trường? Nếu biết tại sao các nhân viên tư vấn và nhân viên các cửa hàng đều khẳng định vẫn vá trong được dòng xe này? Còn nếu bản thân công ty Honda Việt Nam cũng không biết điều này thì cần phải xem lại ở khâu kiểm định, kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng, và dư luận có quyền đặt câu hỏi cho chất lượng sản phẩm của hãng Honda đã đang và sắp đưa ra thị trường…

Sau sự việc trên, đến thời điểm hiện tại, mặc dù phóng viên đã liên hệ làm việc cả tháng, thì câu trả lời của phía Honda Việt Nam vẫn là sự im lặng khó hiểu?

Liệu có phải, chỉ vì doanh thu, lợi nhuận mà Honda Việt Nam đã vô tình quên mất trách nhiệm của mình cũng như vô tình “đánh rơi” quyền lợi của người tiêu dùng?

Hãy để cho các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền và để cho chính người tiêu dùng, những người đã, đang và sẽ sử dụng sản phẩm của Honda Việt Nam đưa ra câu trả lời chính xác nhất.

Theo Nhóm PV (SHTT)