Trong quá trình hoạt động của ô tô, nhiệt lượng sinh rất lớn. Nếu không được hạ nhiệt kịp thời, các chi tiết máy sẽ bị quá nhiệt, gây ra ma sát lớn, dầu nhớt mất tác dụng bôi trơn, xi-lanh bị bó kẹt dẫn đến các hỏng hóc trong động cơ.
Để giải quyết vấn đề này, hệ thống làm mát được ra đời với nhiệm vụ duy trì cho nhiệt độ của động cơ luôn ở mức ổn định. Có hai loại hệ thống làm mát chính là làm mát bằng không khí và làm mát bằng nước, tuy nhiên ngày nay hệ thống làm mát bằng nước phổ biến hơn do có độ tin cậy cao, hiệu năng hạ nhiệt tốt.
Hệ thống làm mát bằng nước hoạt động như thế nào
Hệ thống làm mát bằng nước cơ bản sẽ bao gồm các thành phần chính gồm: dung dịch làm mát, máy bơm, bộ tản nhiệt và cánh quạt. Máy bơm sẽ có nhiệm vụ đưa dung dịch làm mát tới động cơ, tại đây nhiệt lượng từ động cơ sẽ được chuyển sang dung dịch làm mát. Dung dịch sau khi nóng lên tiếp tục được bơm sang các ống tản nhiệt trên và đi tới bộ tản nhiệt. Cánh quạt sẽ có nhiệm vụ thổi không khí lạnh làm hạ nhiệt dung dịch làm mát. Từ đó, dung dịch làm mát tiếp tục di chuyển qua ống tản nhiệt dưới quay trở lại động cơ và hoàn thành chu trình khép kín.
Do rất nhiều bộ phận của xe hơi như đầu xi-lanh, bơm, bộ tản nhiệt... thậm chí khối động cơ đều được cấu tạo bằng nhôm nên cần phải được bảo vệ bằng hóa chất chống ăn mòn để duy trì tuổi thọ. Và nước làm mát sẽ được pha thêm các hóa chất đặc biệt để kiêm luôn nhiệm vụ này.
Ở các nước phương Tây, vào mùa đông nhiệt độ thường hạ xuống rất thấp, có thể tới -10 tới -20o C, dung dịch làm mát phải bao gồm các chất chống đông để không bị đông cứng lại thành nước đá. Nhiệt lượng do chất làm mát thu được từ động cơ cũng sẽ được sử dụng để cung cấp cho máy sưởi không khí, làm ấm khoang lái.
Chọn nước làm mát màu nào
Tùy theo thành phần hóa học của chất chống ăn mòn mà dung dịch làm mát có rất nhiều màu sắc khác nhau, từ xanh lá, xanh lục, hồng, vàng, tím v.v...
Các dung dịch làm mát sử dụng công nghệ phụ gia vô cơ (IAT) sẽ thường có màu xanh lam hoặc xanh lục. Loại dung dịch này có thời hạn sử dụng khoảng 2 năm hoặc 50 nghìn km tùy theo điều kiện nào đến trước. Đây là loại dung dịch làm mát thường được sử dụng trên các loại xe đời cũ.
Đối với các loại xe đời mới thường được khuyến cáo sử dụng loại dung dịch làm mát công nghệ axit hữu cơ (OAT). Loại dung dịch này sử dụng phụ gia hữu cơ để chống ăn mòn thay vì phốt phát và silicat như ở công nghệ phụ gia vô cơ và chúng thường có các màu cam, đỏ, xanh lam, xanh lá đậm...Vòng đời của loại dung dịch công nghệ axit hữu cơ có thể kéo dài đến 5 năm.
Vì mỗi loại dung dịch làm mát lại có thành phần cấu tạo hóa học khác nhau nên không được trộn lẫn hai loại để sử dụng cùng lúc.
Trước khi thay nước làm mát, người sử dụng cần phải đọc kỹ bao bì của sản phẩm, tránh phân loại nước làm mát theo màu sắc bởi mỗi hãng sản xuất lại có quy định về màu khác nhau.
Các loại xe hơi đời cũ cũng không nên tự động chuyển sang sử dụng các loại nước làm mát thế hệ mới khi chưa có khuyến cáo của nhà sản xuất.
Các xả nước làm mát cũ
Đầu tiên hãy kiểm tra sách hướng dẫn sử dụng để nắm được thông tin về lượng dung dịch làm mát có trong hệ thống của xe. Nhờ đó bạn sẽ biết được còn bao nhiêu dung dịch cũ còn đọng lại. Một số chiếc xe chỉ chứa được 5 lít nước làm mát nhưng cũng có những chiếc xe có thể chứa tới 15-17 lít.
Tiếp theo, hãy mở van xả dưới bộ tản nhiệt và dùng một chậu lớn để đựng dung dịch chảy ra. Van xả thường nằm ở vị trí dưới cùng của bộ tản nhiệt.
Tuy nhiên, bộ tản nhiệt chỉ chứa khoảng 40-45% lượng nước làm mát trên xe. Bạn cần mở tiếp van xả nước làm mát ở trên động cơ, van xả này thường có hình dạng giống như một chiếc bu lông.
Sau đó, bạn cần làm tháo ngăn chứa tràn nước làm mát và làm sạch khoang chứa này bởi đây thường là nơi bụi bẩn thường tích tụ.
Để làm sạch hoàn toàn hệ thống, bạn đóng chặt các van xả. Đổ nước sạch vào bình và khởi động động cơ khoảng 3-5 phút và để nguội. Tiếp tục xả bộ tản nhiệt vài lần cho đến khi sạch hoàn toàn. Đối với trường hợp chuyển sang sử dụng loại nước làm mát mới, nước làm mát loại cũ phải được xả sạch tuyệt đối.
Trong quá trình thực hiện, bạn chú ý không đổ loại nước làm mát thế hệ cũ (nước làm mát công nghệ phụ gia vô cơ) xuống nền đất hoặc cống rãnh vì nó tích tụ hóa chất gây hại cho người và động vật.
Thay nước làm mát mới
Hãy dùng một thùng sạch để pha chế nước làm mát và nước cất theo tỷ lệ đã được ghi trên bao bì sản phẩm, hoặc bạn cũng có thể mua dung dịch làm mát đã pha sẵn ở cửa hàng. Kiểm tra xem chiếc xe của bạn có van xả khí hay không, nếu có hãy mở tất cả các van này.
Đổ đầy dung dịch đã pha vào bình chứa chính và bình phụ, đóng van xả khí. Để nắp bình mở, khởi động máy chạy để không khí thoát ra hết khỏi hệ thống làm mát. Qua quan sát, bạn sẽ thấy có bọt khí nổi lên, lượng nước làm mát hạ xuống dần. Châm nước làm mát đầy bình, sau đó đậy chặt nắp bình.
Khởi động lại động cơ và chạy ở chế độ không tải, bật chế độ sưởi ở mức nhiệt độ cao nhất, nếu bạn vẫn nghe thấy âm thanh "ọc ọc" phát ra có nghĩa là trong hệ thống làm mát vẫn còn không khí, hãy tiếp tục mở nắp bình để chúng thoát ra hoàn toàn.
Không khí còn tích tụ trong hệ thống làm mát là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng quá nhiệt. Nếu cần thiết, bạn hãy đưa xe tới gara để các nhân viên sử dụng thiết bị kiểm tra áp suất để xác định những vị trí bị rò rỉ trên hệ thống làm mát.
Theo Ngân Vũ (VietNamNet)