Tại Trung Quốc, BYD vừa giới thiệu công nghệ động cơ DM-i 5.0 mới, có hiệu suất và mức tiêu hao nhiên liệu rất ấn tượng. Cụ thể, tại buổi giới thiệu tuần trước, BYD cho biết động cơ lai điện sạc ngoài (PHEV) DM-i 5.0 của hãng có hiệu suất nhiệt lên tới 46,06%.
Công nghệ động cơ này có thể giúp xe đạt mức tiêu thụ chỉ 3,8L/100km hoặc 3,98L/100km cùng theo chuẩn WLTC với 2 phiên bản, lần lượt, 80 km thuần điện và 120 km thuần điện. BYD cũng cho biết rằng mẫu Qin L và Seal 06 là 2 mẫu xe đầu tiên trang bị công nghệ động cơ DM-i 5.0 này.
BYD trong năm 2023 là hãng xe đứng số 1 tại thị trường Trung Quốc cả về doanh số lẫn doanh thu. Không những vậy, trong quý cuối của năm 2023, BYD cũng đã vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, dù sản phẩm của BYD vẫn có xe sử dụng động cơ đốt trong.
Suốt từ lúc được công bố, đã có nhiều tranh cãi nổ ra về việc tại sao BYD lại công bố mức tiêu thụ theo chuẩn NEDC thay vì chuẩn WLTC như Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc công bố.
Nhiều người cho rằng chuẩn WLTC chính xác hơn vì áp dụng điều kiện thử nghiệm sát với thực tế. BYD thì cho rằng con số theo chuẩn NEDC sát với con số nhiều người dùng đạt được hơn. Theo chuẩn WLTC, con số đạt được là 3,8L/100km thay vì 2,9L/100km với phiên bản có thể đi được 80 km ở chế độ thuần điện.
Nhằm chứng tỏ mức tiêu hao nhiên liệu này sát với thực tế, BYD đã tự tổ chức một cuộc thử nghiệm. Chiếc xe được sử dụng là BYD Seal 06, ngay từ đầu pin chỉ còn 15%. Trong suốt cuộc thử nghiệm, xe đã chạy 103,1km, sử dụng 2,56 lít xăng, pin giảm xuống còn 13%. Sau khi tính toán để có con số chuẩn xác hơn, BYD công bố kết quả là 2,54L/100km, thấp hơn rất nhiều mức 2,9L/100km theo chuẩn NEDC.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm của BYD lại có nhiều thông tin quan trọng chưa được công bố, như dải tốc độ thử nghiệm và phiên bản xe được sử dụng. Song, giám đốc và phụ trách truyền thông của BYD, ông Li Yunfei, cho rằng xe chạy trong cuộc thử nghiệm với tốc độ trung bình 33 km/h. Phiên bản 80km thuần điện cũng được cho là phiên bản được thử nghiệm, bởi có mức tiêu hao nhiên liệu ấn tượng nhất.
Bên cạnh mức tiêu hao nhiên liệu, BYD cũng cho rằng công nghệ động cơ DM-i 5.0 mới có thể giúp xe đi được tổng quãng đường rất xa với bình xăng và điện đầy. Các cuộc lái thử có sự tham gia của truyền thông, báo chí đã đạt được quãng đường lên tới 2.400km, cá biệt có kết quả lên tới 2.547km.
Song, BYD cũng không công bố điều kiện của những cuộc thử nghiệm đó.
Tuy nhiên, một người dùng mạng với tên tạm dịch là "bắc tiến nhưng không dừng nạp điện" đã thử lái một chiếc BYD Qin L phiên bản 120 km thuần điện trong suốt 3 ngày liên tục để kiểm chứng thông tin do hãng đưa ra.
Người này bắt đầu lái xe từ Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đến Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); trong suốt hành trình, điều hòa luôn đặt ở mức 24°C; xe luôn chạy ở tốc độ tối đa cho phép, có nhiều đoạn đi di chuyển liên tục với vận tốc 120km/h. Trong ngày lái thứ 3, tốc độ xe không thể ở ngưỡng tối đa cho phép do gặp mưa lớn.
Khi xe chạy tới khoảng 1.800km, đồng hồ báo xăng đã không còn hoạt động, nhưng xe vẫn có thể đi tiếp và chỉ dừng khi đã đi được 1.977km. Video của người này cũng cho thấy nắp bình xăng và nắp cổng sạc đều còn nguyên niêm phong trước khi được đưa lên xe cứu hộ. Tại trạm xăng, người này đã đổ 66,74 lít xăng dù theo công bố, dung tích bình xăng chỉ là 65 lít.
Sau thử nghiệm, người này cho biết rằng xe đạt mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 3,37L/100km, cao hơn kết quả theo chuẩn NEDC do BYD công bố nhưng vẫn tốt hơn kết quả theo chuẩn WLTC.
Chạy cùng chiếc xe của BYD còn một chiếc Honda Accord phiên bản lai điện sạc ngoài (PHEV) không rõ đời và thông số cụ thể. Chiếc Honda Accord này đã dừng lại ở 1.291km và đạt mức tiêu hao nhiên liệu 3,99L/100km. Một điều cần nhắc tới là chiếc Honda Accord này có bình xăng nhỏ hơn; khi đổ đầy sau thử nghiệm, xe chỉ có thể nhận 51,6 lít xăng.
Người dùng này đã phát sóng trực tiếp (livestream) toàn bộ hành trình thử nghiệm, đồng thời cho rằng nếu không vì thời tiết xấu ở ngày thứ 3 thì chiếc xe đã có thể vượt ngưỡng 2.000km.
Một điều đáng nhắc đến về động cơ DM-i 5.0 của BYD là tranh cãi không những diễn ra xung quanh mức tiêu hao nhiên liệu, mà còn ở hiệu suất nhiệt. BYD cho rằng với hiệu suất 46,06%, đây là động cơ có hiệu suất nhiệt tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, Geely - nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác - đã phản bác và cho rằng thông tin đó không đúng. Geely đã phát triển động cơ đốt trong với hiệu suất nhiệt đạt 46,1%. Không rõ con số của Geely có được làm tròn hay không, nhưng nếu chính xác thì con số này lớn hơn của BYD 0,04%.
Giải thích một cách đơn giản về hiệu suất nhiệt, con số này nói đến mức độ hiệu quả sử dụng nhiên liệu của động cơ đốt trong. Những khối động cơ này có nhiệm vụ biến nhiệt năng sinh ra tại kỳ nổ của nhiên liệu thành cơ năng làm quay bánh xe. Hiệu suất càng cao, cơ năng sinh ra càng lớn, đồng nghĩa mức hiệu quả sử dụng nhiên liệu càng cao.
Theo Nhật Quỳnh (Nguoiduatin.vn)