Khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, từ năm 2018 đến nay đã có khá nhiều mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã chuyển sang nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN. Đây được coi là động thái tái cơ cấu sản xuất của các thương hiệu ô tô lớn và là một trong những nhân tố khiến giá xe trong nước liên tục giảm mạnh.
Mới đây, Camry 2019 đã được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam thay vì lắp ráp trong nước như phiên bản cũ.
Toyota Camry 2019 có 4 phiên bản với mức giá khởi điểm từ 1,1 đến 1,3 tỷ đồng, giảm khoảng 100 triệu đồng so với giá xe Camry lắp ráp trong nước khiến không ít người tiêu dùng bất ngờ.
Trước đó, từ cuối năm 2017, Fortuner cũng được Toyota Việt Nam thực hiện chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn từ Indonesia thay vì lắp ráp trong nước. Song năm 2018, cũng như nhiều mẫu xe nhập khẩu khác, Fortuner gặp nhiều trở ngại trong việc hoàn tất các thủ tục theo quy định tại Nghị định 116 để nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên đầu năm nay, lại có tin đồn chiếc SUV 7 chỗ Fortuner nhiều khả năng sẽ được quay trở lại lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập khẩu nguyên chiếc như hiện nay. Thậm chí việc đặt đơn hàng cho mẫu xe lắp ráp này sẽ được thực hiện từ quý II.
Honda Việt Nam cũng chuyển đổi một số mẫu xe ăn khách như CR-V và Civic từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc. Khi còn chịu thuế nhập khẩu 30% giá xe CR-V và Civic khá cao nhưng từ thời điểm 1/1/2018 loạt xe nhập khẩu của Honda đã giảm giá mạnh do được miễn thuế nhập khẩu 0%.
Mẫu xe Suzuki Swift cũng đã chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Từ năm 2018, Swift không ghi nhận doanh số khá nên Suzuki quyết định ngừng sản xuất mẫu xe này và chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan để hưởng lợi từ thuế nhập khẩu trong khu vực về 0%.
Việc mẫu xe Suzuki Swift chuyển sang nhập khẩu được coi là dễ hiểu khi mẫu xe này không có doanh số ấn tượng. Do đó, việc tiếp tục đầu tư vào lắp ráp tại Việt Nam được coi là bài toán không mấy hiệu quả với Suzuki Việt Nam.
Mazda2 cũng tương tự. Lý giải nguyên nhân chuyển sang nhập khẩu Mazda2, đại diện THACO cho biết: “Việc chuyển đổi chỉ là phân bổ lại cơ cấu sản xuất các mẫu xe Mazda trong khu vực ASEAN để đảm bảo hiệu quả chung của các nhà máy Mazda trong khu vực”.
Kể từ đầu tháng 12/2018, Ford Việt Nam chính thức dừng lắp ráp Fiesta tại nhà máy của hãng ở Hải Dương sau 7 năm mẫu xe đô thị hạng B có mặt trên thị trường.
Được biết tại nhà máy ở Thái Lan của Ford vẫn đang lắp ráp mẫu xe có cùng phiên bản với Fiesta tại Việt Nam và trong khi đợi những kế hoạch tiếp theo của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á, nhiều dự đoán Ford Fiesta sẽ nhập trở lại từ Thái Lan.
Chevrolet Captiva nhiều khả năng cũng sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc. Tại thị trường Việt Nam, Captiva gặp khá nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh như: Honda CR-V, Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson.
Kể từ khi thương hiệu Chevrolet về tay VinFast, nhiều mẫu xe không còn được công bố doanh số. Hiện vẫn chưa có định hướng tương lai rõ ràng, điều này cũng bỏ ngỏ khả năng thế hệ mới của mẫu xe này sẽ về Việt Nam trong thời gian tới dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc.
Mẫu SUV thế hệ mới của Chevrolet vừa được giới thiệu tại Thái Lan với mức giá từ 730 triệu đồng thay đổi toàn diện cả về thiết kế lẫn vận hành.
Dù không phải chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nhưng mẫu xe Subaru Forester thế hệ mới gây chú ý khi về Việt Nam bằng đường nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Trước đó mẫu xe này được nhập khẩu từ Nhật Bản. Sự thay đổi này giúp giá xe giảm kỷ lục nhất trong thị trường ô tô hiện nay, lên tới 378 triệu đồng/chiếc so với bản nhập Nhật trước đó.
Theo Y Nhụy (VietNamNet)