Doanh số thấp kỷ lục
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 8/2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 8.884 xe, giảm tới 45% so với tháng 7/2021 và 57% so với tháng 8/2020. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thị trường ô tô bị sụt giảm doanh số bán lẻ và là tháng có doanh số bán thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.
Mức suy giảm tương tự cũng được ghi nhận đối với thành viên không thuộc VAMA là TC Motor, doanh số bán tháng 8 chỉ đạt 2.182 xe giảm 54% so với tháng 7/2021 và hơn 60% so với tháng 8/2020. Còn VinFast có doanh số bán đạt 2.310 xe, giảm mạnh so với 3.782 xe của tháng 7/2021, nhưng vẫn tăng 1.494 xe so với tháng 8/2020.
Tháng 8/2021 trùng thời điểm với tháng Ngâu, đồng thời nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid nên đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường ô tô.
VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4 đến nay, nhiều nhà máy ô tô đã phải tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp còn hoạt động thì lại gặp một trở ngại khác, đó là số lượng xe tồn kho rất lớn, do việc dừng hoạt động của các đại lý.
Ước tính, khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động. Có thể nói chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%. So với thời điểm tháng 8/2019 khi dịch Covid chưa xuất hiện, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đã giảm tới 18%.
Cũng theo VAMA, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp nước tháng 8/2021 chỉ đạt 5.345 xe, giảm 41% so với tháng trước; so với tháng 8/2019 giảm 17%. Tính chung cả 8 tháng đầu năm, doanh số bán xe lắp ráp của các doanh nghiệp thành viên VAMA chỉ đạt 99.454 xe. Nếu tính cả hai công ty là TC Motor và VinFast thì doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt hơn 162.000 xe các loại.
Tương lai ảm đạm
Theo các doanh nghiệp, do tiêu thụ ô tô vào cuối năm 2020 và quý 1/2021 khả quan nên đã đẩy mạnh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, sang quý 2 khi dịch Covid bùng phát với diễn biến phức tạp kéo dài, nhu cầu giảm đột ngột, đã dẫn đến tồn kho lớn.
Vào cuối tháng 7/2021, tổng hợp số liệu của Bộ Công Thương, VAMA và Tổng cục Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp tồn kho hơn 40.000 ô tô. Hết tháng 8, lượng tồn kho tăng ước tính vượt trên 50.000 xe các loại. Các doanh nghiệp ô tô tình trạng thừa cung, tồn kho cao và đứt thanh khoản.
Các doanh nghiệp còn phải đối diện với nhiều áp lực về tài chính khi vẫn phải duy trì các chi phí hoạt động và ít được miễn giảm từ các đối tác, cơ quan Nhà nước. Cùng với đó là chi phí phòng chống dịch, chi phí vận tải, chi phí bảo quản hàng tồn kho tăng.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và các đại lý bán hàng tại khu vực phía Nam phải dừng hoạt động, đóng cửa từ giữa tháng 7/2021. Còn phía Bắc, các doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động từ 30-50% công suất, nhiều đại lý cũng phải đóng cửa, người lao động nghỉ việc hàng loạt.
"Chúng tôi đã thực hiện cắt giảm tối đa chi phí. Doanh nghiệp ngừng kinh doanh, đồng nghĩa với việc người lao động phải nghỉ việc và hưởng lương tối thiểu, cuộc sống sẽ rất khó khăn", đại diện một doanh nghiệp ô tô FDI nói.
Các doanh nghiệp ô tô dự đoán, doanh số bán xe 4 tháng còn lại của năm nay có thể giảm từ 30-40% so với cùng kỳ 2020. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương chưa thoát khỏi giãn cách. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ, nợ nần, thiếu tiền, còn người lao động mất việc làm, thu nhập giảm, khiến cho nhu cầu về ô tô giảm mạnh. Bức tranh ảm đạm vẫn đang chờ ngành ô tô phía trước.
Thị trường ô tô Việt Nam mới khởi sắc được vài năm, đến 2020 thì bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và năm 2021 cũng tương tự. Doanh số bán của xe sản xuất lắp ráp trong nước sụt giảm mạnh. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang bị đẩy lùi. Theo VAMA, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước năm 2020 giảm 1% so với 2019, đấy là còn được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ 6 tháng nửa cuối năm. Năm nay, tình hình dịch bệnh nặng nề hơn và kéo dài nhưng không nhận được sự hỗ trợ như vậy từ chính quyền.
Trong khi đó, chính sách ưu đãi dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chưa đủ mạnh. Do vậy sản lượng thấp, doanh nghiệp gặp khó trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xe nội ngày càng bất lợi so với xe nhập khẩu. Gặp đại dịch Covid-19, khó khăn lại thêm chồng chất. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hấp dẫn để giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển. Giảm thuế phí để kích cầu tiêu dùng là rất cần thiết.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)