Dừng chờ đèn đỏ thế nào để không làm hại hộp số?

22/03/2021 14:27:28

Việc điều khiển ô tô số tự động trong đô thị được coi là nhàn nhã và tiện ích với nhiều người. Tuy nhiên nếu không biết dừng đỗ xe với thao tác hợp lý, có thể khiến hộp số này dễ bị hư hại.

Hiện nay nhu cầu dùng ô tô số tự động ngày càng nhiều tại các đô thị lớn trên thế giới. Cũng vì thế các hãng xe đã áp dụng 4 loại công nghệ hộp số tự động cho các mẫu xe từ bình dân đến cao cấp.

Dù khác nhau nhưng điểm chung của các loại hộp số này vẫn đòi hỏi người dùng phải thao tác hợp lý khi dừng, đỗ để tránh hư hại.

Hộp số sàn tự động (AMT)

Đây là loại hộp số tự động đơn giản nên thường chỉ có ở những nước chuộng xe giá rẻ như Ấn Độ. Hộp số sàn tự động AMT không có bàn đạp ly hợp (chân côn), cần sang số có vẻ ngoài giống cần số tự động thông thường. Xe sẽ chuyển chuyển số khi vòng tua và tốc độ phù hợp, vì vậy loại hộp số này chuyển số không mượt như các loại khác.

Dừng chờ đèn đỏ thế nào để không làm hại hộp số?
Hộp số sàn tự động (AMT)

Nếu bạn đang lái xe hộp số AMT, hãy lưu ý rằng nó không khác hộp số sàn về nguyên lý hoạt động. Vì vậy, khi bạn dừng lại, bánh răng sẽ chuyển sang số 1 để xe có thể sẵn sàng vượt lên phía trước ngay khi nhả phanh.

Nếu tài xế giữ phanh trong khi chờ đèn đỏ kéo dài, điều này sẽ chỉ tạo thêm áp lực lên bộ truyền động và sẽ làm mòn phanh nhanh hơn. Lời khuyên là chỉ cần chuyển cần số về “N” và kéo phanh tay, giống như cách làm trên các xe hộp số sàn thông thường.

Hộp số tự động dùng biến mô

Đây là loại hộp số tự động khá phổ biến, thường được biết đến qua cách gọi tự động 4 cấp, 5 cấp, 6 cấp. Bộ biến mô (torque converter) là bộ phận để biến đổi mô-men xoắn, truyền tải sức mạnh từ động cơ tới hộp số, giống như vai trò của ly hợp (côn) trên xe sử dụng hộp số sàn.

Dừng chờ đèn đỏ thế nào để không làm hại hộp số? - 1
Hộp số tự động dùng biến mô

Nếu dùng xe có hộp số này, tài xế có thể để nguyên cần số ở số tiến và đạp giữ phanh nếu thời gian chờ đèn đỏ ngắn dưới 30 giây, sẽ không gây hại cho hộp số.

Tuy nhiên nếu thời gian đỗ trong khoảng 20-25 phút mà vẫn giữ chân phanh không chuyển số, có thể làm nóng chất lỏng bôi trơn trong bộ truyền động. Vì vậy, nếu phải dừng quá lâu, nên chuyển số về trung gian (số N) và kéo phanh tay. 

Hộp số vô cấp CVT 

Hộp số vô cấp (Continuously Variable Transmission, viết tắt CVT) là một loại hộp số có thể thay đổi tỷ số truyền liên tục mà không phân theo từng cấp số. Hộp số này tạo nên các tỷ số truyền bằng dây đai, không phải bằng các bánh răng như các loại hộp số ô tô khác.

Cũng giống các loại hộp số tự động khác, loại CVT vẫn tạo áp lực lên hệ thống phanh khi người lái lạm dụng việc dừng đỗ không chuyển số.

Dừng chờ đèn đỏ thế nào để không làm hại hộp số? - 2
Hộp số vô cấp CVT trên các xe như Toyota Altis, Honda City...

Bên cạnh đó, nếu dừng đèn đỏ mà tài xế chuyển sang số P (dùng đỗ xe), hệ thống trên xe sẽ tự hiểu người lái đã sẵn sàng tắt máy và ra khỏi xe, khiến khóa cửa tự động mở. Để tránh điều này, tốt nhất nên chuyển sang chế độ không tải (N) và kéo/bật phanh tay.

Hộp số ly hợp kép DCT

Hộp số ly hợp kép (Dual Clutch Transmission - DCT) hiện được coi là sản phẩm hiện đại nhất dùng trên các xe ô tô đời mới, cho khả năng chuyển số nhanh và mượt mà hơn số tự động dùng biến mô thông thường.

Dừng chờ đèn đỏ thế nào để không làm hại hộp số? - 3
Hiện tượng quá nhiệt trên hộp số DCT, trong ảnh xảy ra với chiếc Kia Seltos

Tuy nhiên, nhược điểm của hộp số này là dễ bị quá nóng khi lưu thông chậm. Ở Ấn Độ, nhiều chủ xe đã phải đối mặt với vấn đề hộp số DCT bị quá nhiệt khi di chuyển ở đường tắc. Khi dừng đèn đỏ hoặc tắc đường, tài xế giữ thoái quen kiểm soát bằng chân phanh mà không chuyển số không tải, khi ấy ly hợp sẽ phải làm việc vất vả hơn để luôn giữ xe đứng yên. Ly hợp ma sát càng nhiều, nhiệt càng tăng, khi ấy cảnh báo nhiệt sẽ xuất hiện trên màn hình.

Lời khuyên cho tài xế dùng loại hộp số này là nên chuyển sang số N khi dừng xe trên 1 phút. Điều này sẽ giúp bộ ly hợp nguội bớt và sẵn sàng hoạt động trở lại.

Theo Đình Quý (VietNamNet)

Nổi bật