Mưa lớn kéo dài tại khu vực phía bắc đã làm hàng loạt ô tô bị chết máy trên đường. Một số lượng lớn phương tiện cũng bị ngập sâu hàng chục cm dưới nước. Khi xe bị ngập nước sẽ có nguy cơ hỏng hóc rất nặng, đồng thời có ảnh hưởng dai dẳng về sau.
Hiện tượng thủy kích
Thủy kích là một trong những "bệnh" khá phổ biến khiến cho lái xe lo lắng khi phải di chuyển qua vùng ngập nước, đặc biệt là các vùng có nước ngập quá tâm bánh xe. Hiện tượng này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xe với chi phí sửa chữa rất cao.
Đây là hiện tượng nước đi vào trong động cơ qua đường đường hút gió, dẫn đến tình trạng nhiên liệu trong xe không thể đốt cháy, từ đó khiến xe bị chết máy.
Ở điều kiện bình thường, các piston hoạt động lên xuống ép không khí nạp vào với tốc độ khoảng 1 nghìn vòng/phút. Khi nước tràn vào chiếm chỗ của không khí nạp, piston vẫn đi lên rất nhanh cùng lực rất lớn trong khi nước lại không thể bị nén. Điều này đã tạo ra phản lực lớn làm piston và tay biên bị biến dạng.
Lúc này, nếu chủ xe vẫn cố gắng nổ máy thì tình trạng hư hỏng sẽ trở nên nặng nề hơn, việc sửa chữa cũng tốn kém hơn. Chính vì vậy, khi gặp hiện tượng thủy kích, hãy cố gắng nhờ người xung quanh di chuyển xe lên vị trí cao hơn và gọi điện cho đội cứu hộ.
Hư hỏng hệ thống điện
Đây là “bệnh” rất hay gặp phải nếu xe thường xuyên di chuyển trong điều kiện ngập nước với thời gian dài. Khi bên trong hệ thống dây điện tiếp xúc quá lâu với nước sẽ dễ xảy ra hiện tượng chập, cháy và đoản mạch.
Với hệ thống đường dây điện phân bổ khá nhiều trên ô tô, điều này gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống như bảng điều khiển, radio, hệ thống thông tin giải trí, hệ thống điều hòa, đèn chiếu sáng và thậm chí cả gương chiếu hậu...
Hư hỏng hệ thống nhiên liệu
Tình trạng nước xâm nhập vào hệ thống nhiên liệu cũng là một trong những nỗi lo của nhiều tài xế khi xe bị ngập nước. Khi nước lọt vào bình nhiên liệu, ô tô có thể xuất hiện tình trạng máy bị rung, giật, mất công suất, động cơ xe phát ra tiếng ồn lớn, tắt máy đột ngột...
Cũng như hiện tượng thủy kích, khi gặp tình trạng chết máy do hệ thống nhiên liệu bị nước tràn vào, chủ xe không nên cố gắng nổ máy mà nên liên hệ các trung tâm chăm sóc xe để đưa xe về kiểm tra.
Hư hỏng các bộ phận hỗ trợ vận hành
Khi xe ô tô bị ngập nước, các bộ phận hỗ trợ vận hành xe như phanh, ly hộp, chân ga, bộ khởi động, piston, xi-lanh... cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Ngoài ra, tình trạng nước đọng lại trong xe cũng khiến các bộ phận nội, ngoại thất khác dễ bị hoen gỉ.
Cụ thể, các bộ phận làm từ kim loại của thân xe dễ bị hoen gỉ, các bộ phận như ghế, ô cửa, thảm... xuất hiện tình trạng nấm mốc. Vì vậy, chủ xe nên giữ cho xe khô ráo và kiểm tra xe thường xuyên sau khi di chuyển qua vùng ngập nước.
Theo Thu Hà (Cartimes.vn)