Xử lý tình huống khi ô tô ngập nước để tránh bị thủy kích

19/08/2016 15:04:00

Vào mùa mưa thường xảy ra tình trạng ngập nước nếu mưa quá lâu hoặc là những nơi có hạ tầng giao thông đã xuống cấp và nó đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả mọi người, nhất là xe ô tô gầm thấp.

Vào mùa mưa thường xảy ra tình trạng ngập nước nếu mưa quá lâu hoặc là những nơi có hạ tầng giao thông đã xuống cấp và nó đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả mọi người, nhất là xe ô tô gầm thấp.

Để giải quyết vấn đề này  cần biết rõ một số thông tin sau để có thể bảo vệ tốt hơn cho chiếc xe của mình.

Ảnh hưởng của xe bị ngập nước

Các xe hỏng do ngập nước rất đa dạng. Nguyên nhân hầu hết do bị nước tràn qua ống hút khí nạp của động cơ, một số bị chập điện, một số do đỗ chỗ trũng bị nước ngập vào xe, cá biệt có chiếc bị hỏng do thùng xăng chứa đầy nước. Chiếc nào may mắn và chủ xe có kinh nghiệm thì chỉ sửa chữa nhanh là dùng được, chiếc nào kém may hơn thì phải tháo máy thay biên và Piston.

Đa số các mẫu sedan gầm thấp không phải được thiết kế để lội nước. Nước rất có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến, hộp điều khiển rất dễ hỏng, nước làm giảm hiệu lực của côn, phanh.

Với điều kiện vận hành bình thường, các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Tuy nhiên, khi nước tràn vào đường hút gió và chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng các tay biên và piston. Khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy, đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ, phá huỷ máy xe. Đó chính là hiện tượng thủy kích.

Mẹo phòng chống xe hỏng do ngập nước

Thủy kích - Nỗi ám ảnh của động cơ ô tô. Ảnh Vietnamnet

Cách phòng tránh và khắc phục khi xe bị ngập nước:

Lái xe phải hiểu rõ đầu ống hút gió của xe ở vị trí nào để phòng tránh. Khi trời mưa to, nên để xe nơi cao, nếu phải dùng xe thì chọn các tuyến đường ít ngập. Còn nếu bắt buộc phải lội nước các lái xe lưu ý những điều sau đây

Trường hợp 1 vẫn có thể vận hành xe: Nếu mức nước cao trên trục láp là mức nguy hiểm, nên tắt công tắc AC - điều hoà, đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, đi thật chậm và ra hiệu cho xe ngược chiều cùng đi chậm tránh tạo sóng cao.

Trường hợp 2 buộc phải tắt máy để bảo vệ động cơ: Nếu nước cao đến giữa Padeshock thì tốt nhất là tắt máy, đẩy xe qua nơi nguy hiểm, rồi kiểm tra bầu lọc gió xem có nước vào không. Sau khi khởi động xe và đi, nhớ đạp nhẹ rà phanh một lúc cho má phanh khô để cho phanh có hiệu lực như bình thường. Với những xe có ống hút cao thì  vẫn phải cẩn thận vì nước có thể chui qua các lỗ thông khí trên vỏ cầu xe, trên thân máy làm hỏng dầu bôi trơn gây thiệt hại về sau.

Trường hợp 3 xe bị chết máy: Nếu không may xe bị chết máy thì tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ cao phòng tránh bị sóng nước do xe khác chạy làm trôi dạt và gọi xe cứu hộ để nhận được trợ giúp.

Cách phòng chống xe ô tô ngập nước

Cần phải ghi nhớ rằng, lái xe dưới trời mưa, đường ngập thì đồng nghĩa với việc phải đối diện với vô vàn cái bẫy khác nhau, điều đó sẽ gây mức nguy hiểm không hề nhỏ. Trong trường hợp cấp bách không thể nào né tránh được chuyện đi lại này thì cách tốt nhất là trang bị đồ trên xe để đối phó với tình huống, chọn đường đi an toàn và tuyệt đối không cố chấp hay liều lĩnh. Quan sát mọi người đi đằng trước để xem tuyến đường đó có thực sự an toàn cho mình đi qua hay không.

Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, lời khuyên đúng đắn nhất là đừng nên tìm cách tự sửa nếu không có chuyên môn kỹ thuật, nên tháo càng sớm càng tốt dây nối với bình ác qui, gọi về hãng xe để tìm người tư vấn hoặc đơn giản hơn, gọi cứu hộ 116, thông báo rõ loại xe và tình trạng bị ngập để được tư vấn đúng cách và không bị thiệt hại thêm. Các kỹ sư và kỹ thuật viên sẽ tư vấn đánh giá mức độ hư hỏng, tìm garage sửa xe phù hợp.

Theo TĐH (Autoexpress.vn)