3 quý đầu năm 2021, thị trường xe ghi nhận mức sụt giảm doanh số đến 46% so với cùng kỳ 2020. Thứ hạng về lượng bán hàng của các hãng cũng có nhiều thay đổi.
Bước sang tháng thứ 2 của quý IV, thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn nước rút với nhiều tín hiệu lạc quan khi dịch Covid-19 hạ nhiệt tại nhiều tỉnh thành, hoạt động kinh doanh xe dần được nối lại và hơn hết là chính sách giảm 50% phí trước bạ đã chính thức được áp dụng từ đầu tháng 12. Xe lắp ráp đắt khách trở lại, mùa mua sắm cuối năm sôi động, cấp tập hơn hẳn.
Khách Việt đổ xô mua xe, ra biển số, sale ô tô "đuối"
Hơn 40 mẫu xe ô tô lắp ráp trong nước từ phân khúc giá rẻ đến hạng sang đang hưởng lợi nhờ chính sách của Chính phủ. Những mẫu xe hot như Toyota Vios, Vinfast Fadil, Hyundai Accent, Grand i10 hay các dòng xe sang Mercedes… đều được ưu đãi thuế giảm đến từ vài chục triệu lên đến cả trăm triệu đồng. Lo sợ các hãng, đại lý cắt khuyến mại, tăng giá bán nên ngay khi chính sách được áp dụng, người tiêu dùng đã "kháo nhau" mua xe, ra biển số để kịp hưởng ưu đãi kép.
Ngay khi chính sách giảm phí có hiệu lực, anh Nguyễn Văn Trường ở Đông Anh Hà Nội bắt đầu chốt lấy xe Hyundai Tucson, anh hồ hởi nói: "Mua xe ngay và luôn bây giờ vừa được hưởng khuyến mãi từ đại lý vừa được giảm phí đăng ký. Dù thời gian áp dụng giảm phí đến 6 tháng trời và tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp nhưng nếu chần chừ thì sắp tới các hãng đại, lý tăng giá xe như năm ngoái thì thiệt".
Lượng khách chốt mua và nhận xe tăng mạnh dẫn đến tình trạng quá tải xảy ra tại một số đại lý trong hai ngày vừa qua.
Tất bật từ sáng sớm đến gần 2h chiều mới được ăn trưa, anh Thái, nhân viên kinh doanh một đại ý Hyundai cho biết: “Lượng khách đặt mua xe và nhận xe tăng tột biến. Đại lý hai hôm nay đông nghẹt khách. Như tôi, chỉ trong một buổi sáng chạy ngược chạy xuôi lo giao 4 xe cho khách. Chạy đuối luôn nhưng lại rất vui vì sau nhiều tháng vắng khách nay thị trường đã bắt đầu nóng trở lại”, anh Thái chia sẻ.
Cũng theo anh Thái, hiện tại đại lý anh dự kiến vẫn đủ xe cho khách cọc tháng 12. Tuy nhiên, lượng chốt hợp đồng mua xe đông, đại lý cũng gặp khó vì nhiều khách nôn nóng cần giao xe luôn để ra biển.
Chị Thúy Hạnh, nhân viên kinh doanh tại một đại lý ô tô Toyota ở Hà Nội cho biết, "Dịch dã kéo dài, anh em sale bọn mình có người phải bỏ cả nghề, chuyển hướng vì nhiều tháng trời chẳng bán được chiếc xe nào. Giá cả xe thì bấp bênh, xe thì cứ tồn đọng đại lý.
Nhưng ngay từ giữa tháng 11, từ khi có thông tin ưu đãi phí thì lượng khách bắt đầu nhỉnh dần. Đến giờ nhiều khách đòi nhận xe luôn chỉ sau 2-3 ngày ký hợp đồng, khách ký chờ mua xe cũng đông, chúng tôi lại không đủ sức để phục vụ khách".
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, ngày đầu tiên chính sách giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực, có đến 11.826 xe ô tô nội địa đăng ký nộp phí trước bạ, tăng đột biến so với cuối tháng 11 chỉ khoảng 1.200 xe (mỗi ngày).
Con số gần 12.000 xe nội đăng ký trong một ngày bằng hơn 70% số xe đăng ký trước bạ tính trung bình mỗi tháng (trong quý III năm nay), thậm chí cao hơn mức 8.800 xe đăng ký của tháng 8.
Xe đắt khách trở lại, đại lý đồng loạt cắt giảm khuyến mãi
Nỗi lo của người tiêu dùng dường như đã thành hiện thực khi cùng với việc giảm 50% phí trước bạ, các đại lý lập tức có động thái cắt bớt mức ưu đãi, đưa giá xe về đúng niêm yết trước đó của hãng.
Cụ thể, tại một số đại lý Toyota, một số mẫu xe đã bị cắt giảm khuyến mãi từ 10-20 triệu đồng so với trước đó. Đơn của như Toyota Vios từ giảm 60 triệu đồng trong đầu tháng 11 đến nay chỉ ưu đãi 40 triệu đồng. Một số đại lý hiện không đủ màu để giao vì khách mua dồn dập. Innova và Fotuner hiện giảm 40-50 triệu, trước đó là 50-60 triệu.
Nếu như trước đó, Hyundai là một trong những hãng có khuyến mãi nhiều nhất thì hiện các xe của hãng đều bán theo giá niêm yết. Trước đó, đa số các mẫu xe của hãng xe Hàn đều giảm 15-35 triệu đồng và cao nhất là 80 triệu đồng cho mẫu Tucson. Mẫu bán chạy Santa Fe bản dầu không sẵn xe, khách phải mua thêm phụ kiện để nhận xe sớm.
Tại một đại lý tại Hà Nội, mẫu bán tải Ford Ranger XLS không còn được giảm giá mà bán đúng gía niêm yết của nhà sản xuất. Nguyên nhân do nguồn cung cuối tháng 11 không nhiều như đầu tháng. Trong khi đó, lượng khách đặt mua xe để được giảm 50% lệ phí trước bạ lại ngày một tăng.
Hiện đa số các dòng của Kia cũng được bán đúng giá niêm yết và có thể tặng thêm bảo hiểm vật chất với tùy từng mẫu xe. Riêng Mazda, Peugeot và VinFast là hãng xe vẫn giữ nguyên ưu đãi.
Đánh giá về thị trường ô tô hiện nay, anh Vĩnh Nam, chuyên gia ô tô cho biết, từ giữa tháng 11, lượng khách đặt mua ô tô đã tăng gấp 2 lần so với trước đó. Đa phần khách đặt mua xe thời điểm đó để hưởng khuyến mãi từ đại lý và đợi đến đầu tháng 12 mới nhận xe sẽ giảm 50% phí trước bạ. Tức hưởng lợi kép cả từ hãng xe và Chính phủ.
Tuy nhiên, chính vì lượng đơn đặt hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến nhiều xe lắp ráp có tình trạng hết xe sớm cũng như chờ xe mới lắp ráp từ hãng cung ứng về. Về phía hãng thì gặp khó vì nguồn cung linh kiện phụ tùng hạn chế do dịch bệnh.
“Vì lẽ đó nên một số đại lý xe (không phải hãng) cũng bắt đầu thỏa thuận lại, cắt giảm khuyến mãi so với trước đó. Điều này hợp lý trong tình hình hiện nay khi các đại lý phải cân đối lợi nhuận trong một thời gian dài bị áp lực giải quyết hàng tồn kho cũng như áp lực về mặt tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh”, anh Nam nhận định.
Trước đó, trong tháng 10, số liệu bán hàng của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) cho thấy sức mua đã trở lại bình thường cũ sau khi nhiều địa phương trên cả nước đã hết giãn cách xã hội. Cụ thể, 17 thành viên VAMA đã bán được 27.149 xe, tăng 121% so với tháng 9 (bán 13.537 xe).
Với việc chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực không chỉ khiến người tiêu dùng vui mừng mà đa số giới kinh doanh ô tô lắp ráp trong nước cũng phấn khởi. Họ hy vọng sẽ có đợt sốt xe trên thị trường quý cuối năm nay “cứu vớt” lại thời điểm ế ẩm trước đó.
Theo Y Nhụy (VietNamNet)