JATO Dynamics - công ty chuyên cung cấp dữ liệu ô tô toàn cầu mới đây đã công bố kết quả phân tích thị trường ô tô châu Âu với những con số bất ngờ.
Theo đó, tổng doanh số bán xe du lịch tại châu Âu trong tháng 2 đạt 988.116 chiếc, tăng 10% so với tháng 2/2023, nâng tổng doanh số lũy kế 2 tháng đầu năm nay lên gần 2.000.000 chiếc, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số xe thuần điện BEV đạt 130.672 chiếc, chiếm 13,2% tổng doanh số xe ô tô tại châu Âu vừa qua.
Về cơ cấu xuất xứ sau 2 tháng đầu năm, xe ô tô sản xuất tại Trung Quốc đứng thứ 9 và chỉ chiếm 4% tổng số xe ô tô đăng ký mới ở châu Âu. Ô tô sản xuất tại Đức vẫn đứng đầu với thị phần là 20%, đứng thứ 2 là Tây Ban Nha chiếm 14%, kế tiếp, xe sản xuất tại Czechia chiếm 9%, Pháp chiếm 7,9%, Slovakia chiếm 4,9%, Nhật Bản chiếm 4,6%, Mỹ chiếm 4,5%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 4,3%.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, xe ô tô sản xuất tại Trung Quốc đang có mức tăng đột biến tại châu Âu, với tháng 2 tăng tới 45% so với tháng 2/2023 và tính chung 2 tháng đầu năm, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 66% là xe điện, chỉ có 3,4% là xe hybrid.
Trong khi đó, ô tô sản xuất tại Đức, Tây Ban Nha - 2 quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại châu Âu chỉ tăng khoảng 6% so với tháng 2/2023. "Các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc đang tỏ ra bán chạy hơn so với xe được sản xuất tại Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc, Maroc và Romania", theo JATO Dynamics nhận định.
Riêng đối với xe điện, mức tăng trưởng của xe sản xuất tại Trung Quốc vào châu Âu còn ấn tượng hơn. Theo JATO Dynamics, cứ mỗi 5 xe điện mới bán ra tại châu Âu thì có 1 xe do Trung Quốc sản xuất, nghĩa là thị phần xe điện "made in China" chiếm 20%, lớn thứ 2 trong thị trường xe điện của châu Âu. Xe điện sản xuất tại Đức dù chiếm thị phần lớn nhất là 33% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 8% trong tháng 2.
Lý giải điều này, Felipe Munoz, chuyên gia phân tích toàn cầu của JATO Dynamics cho biết: "Nguyên nhân là do các nhà cung cấp phụ tùng gốc OEM của Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ giao hàng sang châu Âu trước quyết định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện từ Trung Quốc."
Trước đó, EU bắt đầu điều tra chống trợ cấp đối với xe điện từ Trung Quốc kể từ tháng 10/2023. Gần đây, theo Drive, EU đã tuyên bố họ có đủ bằng chứng cho thấy, xe điện sản xuất tại Trung Quốc được chính phủ trợ cấp khiến giá bán rẻ hơn hẳn so với xe có nguồn gốc xuất xứ từ nước khác, dẫn tới phá giá thị trường. Một kế hoạch tăng thuế nhập khẩu trong tháng tới để trừng phạt xe điện từ Trung Quốc đã được EU đề cập.
Tuy nhiên, ông Munoz vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng, các nhà sản xuất ô tô châu Âu vẫn còn dư địa để phát triển bất chấp sự tăng tốc mạnh mẽ của các loại xe "made in China".
Bóc tách số liệu cho thấy, trên thực tế, trong tổng số xe ô tô từ Trung Quốc nhập vào châu Âu, có tới 44% là xe thuộc các thương hiệu Tesla, Volvo, Dacia và 40% thuộc thương hiệu MG. Như vậy, các thương hiệu ô tô châu Âu và Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc để xuất sang châu Âu chiếm tới 84%.
Số lượng ô tô thuộc các thương hiệu "thuần" Trung Quốc thực sự chỉ chiếm 16% tổng số xe sản xuất tại Trung Quốc đăng ký mới ở châu Âu.
Trong top 10 xe bán chạy nhất tại châu Âu, kể cả xe điện và hybrid, không có thương hiệu ô tô Trung Quốc và đứng đầu vẫn là thương hiệu Mỹ- Âu như Tesla, Volvo...
JATO Dynamics cũng đánh giá, mặc dù MG và Volvo hiện nay đều thuộc sở hữu của các Tập đoàn ô tô Trung Quốc (MG - thương hiệu Anh quốc - thuộc SAIC Motor và Volvo - thương hiệu Thụy Điển thuộc Geely) nhưng nhiều khách hàng vẫn định vị là xe châu Âu.
Nhà phân tích này cho biết: “Các thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thực sự chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và tăng thị phần lớn tại châu Âu". Đặc biệt, thách thức sẽ còn rất lớn khi tới đây, các mẫu ô tô từ quốc gia này sẽ phải đối mặt với khả năng bị áp thuế nhập khẩu cao do EU ấn định cùng các rào cản thương mại và bảo vệ môi trường khác.
Theo JATO Dynamics/Carcoops
Ngô Minh (VietNamNet)