Theo trang Russia Beyond, xe tăng Sa hoàng, tên khác là xe tăng Lebedenko, là cỗ thiết giáp có thiết kế độc đáo khi được trang bị hai bánh xe khổng lồ có hình thù giống bánh xe đạp, thay vì hệ thống bánh xích, cùng phần thân không hề giống với bất kỳ loại xe tăng nào được thiết kế cùng thời.
Vào đầu thập niên 1910, ý tưởng về một loại vũ khí bọc thép có thể di chuyển trên chiến trường với mục đích yểm trợ bộ binh và chọc thủng các tuyến phòng thủ của đối phương đã được đề ra ở nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Nga. Quá trình phát triển xe tăng càng được thúc đẩy nhanh hơn sau khi Thế chiến I (1914-1918) nổ ra.
Khi đó ở Nga, nhóm nhà khoa học thiết kế vũ khí nổi tiếng gồm Nikolai Lebedenko, Nikolay Zhukovsky, Boris Stechkin và Alexander Mikulin thay vì lên ý tưởng về loại xe tăng chạy bằng bánh xích giống như các quốc gia khác, đã quyết định chế tạo cỗ xe thiết giáp dựa trên loại xe đạp 3 bánh, như một phương án giải quyết triệt để vấn đề địa hình gồ ghề trên chiến trường.
Nhóm nhà khoa học đã tạo ra một mô hình thu nhỏ chiếc xe tăng trên có thể di chuyển với động cơ lò xo, và gửi tặng cho Sa hoàng Nikolai II nhằm xin chính quyền cấp vốn cho dự án. Nikolai II sau khi chứng kiến mô hình chiếc xe tăng có thể dễ dàng vượt qua một số bài kiểm tra, đã quyết định chi khoảng 250.000 Ruble cho dự án.
Xe tăng Tsar được thiết kế với 2 bánh khổng lồ có đường kính 9m ở phía trước. Thân xe hình chữ nhật, với 2 tháp pháo ở hai bên và một tháp pháo ở chính giữa.
Phía sau Tsar có một bánh xe với đường kính 1,5m. Hai bánh trước cùng thân xe kết nối với bánh thứ 3 bằng một khối sắt lớn. Hai bánh trước có các nan như bánh xe đạp, thoạt nhìn xe tăng Tsar như một chiếc “xích lô khổng lồ”.
Các nhà thiết kế trang bị cho xe tăng Tsar tới 12 súng máy làm mát bằng hơi nước, tuy nhiên, tầm bắn về phía trước bị hạn chế do vướng bánh xe. Tsar cũng được trang bị 2 động cơ công suất 250 mã lực, tốc độ tối đa khoảng 17 km/h.
Tháng 7/1915, xe tăng Sa hoàng được hoàn thành. Xe tăng có chiều dài tới 18m, rộng 12m, cao 9m, trọng lượng chiến đấu khoảng 60 tấn và được vận hành bởi 15 người.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm ở ngoại ô Moscow cho thấy đây là một thiết kế sai lầm. Khối lượng xe nặng tới 60 tấn trong khi chỉ có 3 bánh truyền động. Kích thước hai bánh trước quá lớn nên trọng lượng xe đè lên bánh phía sau, khiến Tsar khó di chuyển khi đi qua vùng đất yếu. Lúc này, Lebedenko mới phát hiện ra nhiều sai sót trong việc thiết kế và chế tạo “đứa con đẻ” của mình.
Hai kỹ sư quân sự khác của Nga là Mikulin và Stechkin đã cố gắng phát triển loại động cơ mạnh hơn để giúp Tsar không trở thành đống sắt vụn. Tuy nhiên, tháng 10/1917, Cách mạng Tháng Mười nổ ra và chiếc xe tăng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Cỗ xe tăng này bị “bỏ quên” giữa rừng và nằm yên tại vị trí mắc kẹt cho đến năm 1923 thì bị bán làm phế liệu.
Theo Thanh Thảo (VietNamNet)