Cách khắc phục xe đề dai, khó nổ mùa lạnh

02/11/2021 10:47:25

Khó khởi động xe, đề nhiều lần mới nổ máy là hiện tượng khá hay gặp đối với nhiều ô tô, nhất là trong mùa lạnh. Chỉ là việc đề dai nhưng có đến hàng chục nguyên nhân khác nhau.

 Xe ô tô khởi động khó, nhất là vào buổi sáng là bệnh khá hay gặp khi thời tiết bắt đầu trở lạnh. Các chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân chính và những cách khắc phục dưới đây:

1. Ắc quy yếu:

Ắc quy ô tô bị yếu là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến xe ô tô khó nổ. Có nhiều lý do khiến ắc quy trên xe bạn bị yếu điện, hết điện như quên tắt đèn và phụ tải; bị rò điện hoặc ắc quy đã quá cũ. Ngoài ra, vào mùa lạnh thì ắc quy cũng hoạt động kém hơn mùa nóng.

Cách khắc phục xe đề dai, khó nổ mùa lạnh
Ắc quy yếu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc đề dai, khó nổ máy của ô tô.

Bên cạnh đó, các đầu cực ắc quy bị mòn, dẫn đến kết nối kém cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc điện áp truyền từ ắc quy đến củ đề bị kém, ô tô rất khó nổ.

Để xử lý trường hợp ắc quy bị yếu điện, chúng ta có thể sử dụng bộ kích điện ô tô hoặc nhờ một xe khác hỗ trợ câu điện khi khởi động.  Các chuyên gia cũng khuyên rằng, nên thay thế ắc quy định kỳ sau khoảng 2-3 năm sử dụng.

2. Củ đề bị hỏng

Máy khởi động ô tô hay còn gọi là củ đề hoặc chuột đề là một trong những bộ phận nhỏ nhưng rất quan trọng trên ô tô. Khi bộ phận này bị trục trặc cũng khiến việc khởi động xe gặp khó khăn.

Thông thường, khi xe ô tô đề nổ dai, đi kèm với tiếng lách cách hay tạch tạch thì khả năng cao là củ đề xe ô tô đã bị lỗi. Hiện tượng này thường xuyên gặp vào lúc xe nguội máy, buổi sáng,…

Khi đó, có thể vì chổi than bên trong củ đề bị mòn, rơ le đề bị hỏng hoặc các mối nối bên trong bị hoen gỉ, tiếp xúc kém… Để xử lý nên đưa đến gara ô tô kiểm tra và thay mới để đảm bảo chiếc xe của bạn tiếp tục hoạt động bình thường. 

3. Bô bin/ Bugi bị trục trặc

Các chuyên gia cho rằng, để quá trình đốt nhiên liệu diễn ra trong xy-lanh động cơ cần có 3 yếu tố: không khí, nhiên liệu và lửa. Trong đó, bô bin cung cấp dòng điện áp đến với bugi, giúp bugi thực hiện vai trò đánh lửa của mình.

Nếu bô bin hoặc bugi bị trục trặc thì buồng đốt sẽ không có tia lửa điện hoặc tia lửa điện yếu khiến hỗn hợp khí và nhiên liệu không được đốt cháy hoặc đốt cháy chậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến ô tô khó nổ máy, đề dai.

Để khắc phục, cần đưa xe đến các gara để kiểm tra kỹ hệ thống đánh lửa và thay thế, điều chỉnh cho phù hợp. 

Cách khắc phục xe đề dai, khó nổ mùa lạnh - 1
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó khởi động xe.

4. Kim phun nhiên liệu bị tắc

Nhiên liệu là 1 trong 3 yếu tố dẫn đến sự cháy. Khi nhiên nhiên liệu không thể vào hay vào buồng đốt với lưu lượng không đủ thì động cơ ô tô sẽ khó hoạt động. Hệ quả là việc xe ô tô đề dai, nhất là với xe lâu không sử dụng.

Kim phun nhiên liệu trong động cơ thường bị bẩn sau một thời gian dài sử dụng. Nếu không được vệ sinh định kỳ sẽ dễ dẫn đến tình trạng kim phun bị bẩn gây tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phun nhiên liệu vào buồng đốt.

Do vậy, việc vệ sinh kim phun định kỳ, nhất là đối với các dòng ô tô cũ cần phải được chủ xe quan tâm thường xuyên. Vệ sinh kim phun không chỉ giúp xe vận hành mạnh mẽ, êm ái mà còn giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.

5. Lỗi bơm xăng

Khi xe ô tô khởi động, ECU sẽ kích hoạt rơ le để cung cấp điện cho bơm xăng. Bơm hút xăng từ bình xăng đi qua van một chiều, lọc xăng rồi đến kim phun. Van một chiều giúp duy trì áp suất dư ở trong hệ thống khi bơm không làm việc.

Cách khắc phục xe đề dai, khó nổ mùa lạnh - 2
Bơm xăng bị lỗi, hỏng có thể khiến ô tô phải "nằm đường" bất cứ lúc nào.

Nếu bơm xăng bị lỗi, thiếu áp suất sẽ dẫn tới nhiên liệu không được phun hoặc phun với lưu lượng không đủ để quá trình cháy diễn ra. Điều này dẫn đến tình trạng đề xe ô tô khó nổ.

Để chắc chắn bơm xăng bị lỗi, cần đưa xe đến gara để kiểm tra áp suất nhiên liệu. Thông thường, bơm xăng khá bền, nhưng nếu bị hỏng có thể khiến xe của bạn bị “nằm đường” bất cứ lúc nào. Do vậy, khi có hiện tượng bắt đầu lỗi, hỏng, đừng tiếc tiền thay một chiếc bơm xăng mới.

Ngoài 5 nguyên nhân ở trên, có một số nguyên nhân khác do lỗi chủ quan của lái xe nhưng cũng không loại trừ đó là xe bị hết cạn xăng, để cần số chưa phù hợp (Với xe số tự động cần số phải để ở vị trí P, hoặc xe số sàn phải cài số “mo” và không đạp côn); chân chưa đạp phanh; chìa khoá thông minh hết pin hoặc hệ thống chống trộm bị lỗi.

Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)

Nổi bật