Các tính năng hỗ trợ người lái khó có thể phục hồi hoàn toàn sau khi sửa chữa

28/02/2023 09:06:45

Mặc dù các công nghệ tiên tiến hỗ trợ người lái và tránh va chạm giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn, nhưng những tính năng này cũng phát sinh nhiều vấn đề khi cần sửa chữa. 

Theo nghiên cứu do Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ Mỹ (IIHS) thực hiện, khoảng một nửa số người được hỏi gặp sự cố với công nghệ hỗ trợ người lái sau khi sửa chữa.

"Phần lớn trong số 3.000 chủ sở hữu mà chúng tôi đã liên hệ cho biết, họ chưa bao giờ cần sửa chữa các tính năng tránh va chạm, tuy nhiên, đối với một số ít chủ sở hữu còn lại đã từng sửa chữa các tính năng này, vấn đề không phải lúc nào cũng được giải quyết triệt để" - nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của IIHS - Alexandra Mueller cho biết.

IIHS đã thực hiện phỏng vấn các chủ sở hữu ô tô có tích hợp các tính năng như ngăn ngừa va chạm phía trước, camera tăng cường khả năng hiển thị và phát hiện điểm mù, để phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình.

Các tính năng hỗ trợ người lái khó có thể phục hồi hoàn toàn sau khi sửa chữa
Các công nghệ tiên tiến hỗ trợ người lái và tránh va chạm giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn.

Trong số gần 500 tài xế đã được phỏng vấn về việc sửa chữa hệ thống tránh va chạm, khoảng 40% số này sở hữu ô tô thuộc đời xe 2019 hoặc mới hơn. Kết quả chỉ ra rằng, 2/3 chủ sở hữu gặp sự cố với công nghệ an toàn sau khi thay thế kính chắn gió và gần 3/4 gặp trục trặc khi sửa chữa sau hư hỏng do va chạm. Ngoài ra, gần một nửa số chủ sở hữu gặp sự cố với các tính năng công nghệ sau khi sửa chữa.

"Nhiều người gặp vấn đề với công nghệ sau khi sửa chữa và một số nói rằng họ phải sửa cùng một tính năng nhiều lần" - Mueller cho biết thêm.

Việc sửa chữa kính chắn gió thường kéo theo nhiều vấn đề cho việc hiệu chỉnh các cảm biến và camera tránh va chạm. 2/3 chủ sở hữu được khảo sát cho biết, mặc dù đã được hiệu chỉnh theo tiêu chuẩn, nhưng tỷ lệ tái hỏng hóc sau đó vẫn rất cao.

Các tính năng hỗ trợ người lái khó có thể phục hồi hoàn toàn sau khi sửa chữa - 1
Theo nghiên cứu do Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ (IIHS) thực hiện, khoảng một nửa số người được hỏi gặp sự cố với công nghệ hỗ trợ người lái sau khi sửa chữa.

Bên cạnh đó, chi phí sửa chữa cho các mẫu xe đời mới hơn, được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại hơn cũng là một vấn đề. Trong khi việc thay thế kính chắn gió thông thường có thể tốn ít nhất 250 USD (khoảng 5,9 triệu đồng), con số này có thể tăng lên đến hơn 1.000 USD (khoảng 23,5 triệu đồng) khi việc sửa chữa liên quan đến các công nghệ tránh va chạm phía trước, do yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi phức tạp hơn nhiều (Theo Viện dữ liệu xe hơi bị mất cắp).

Theo đó, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, chi phí sửa chữa và bảo dưỡng cho xe điện - loại xe đi đầu về công nghệ tránh va chạm, cao hơn đáng kể so với các loại xe thông thường.

Do phần mềm hiệu chỉnh yêu cầu cập nhật thường xuyên, thiết bị sửa chữa có giá thành cao, cũng như kỹ thuật viên cần được đào tạo chuyên sâu, nên việc sửa chữa này khá phức tạp. Đối với một số nhà xưởng, việc sửa chữa còn gặp khó khăn hơn khi không đủ khả năng tiêu chuẩn hóa cho các quy trình hiệu chuẩn.

Các tính năng hỗ trợ người lái khó có thể phục hồi hoàn toàn sau khi sửa chữa - 2
Chi phí sửa chữa cho các mẫu xe đời mới hơn, được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại hơn cũng cao hơn do phần mềm hiệu chỉnh phải cập nhật thường xuyên, trang thiết bị đắt đỏ, kỹ thuật phức tạp yêu cầu kỹ thuật viên cần được đào tạo chuyên sâu.

Hơn nữa, những phương tiện cao cấp như Volvo EX90 và Mercedes-Benz S-Class được trang bị công nghệ LiDAR, cũng như một bộ công nghệ hiện đại và tiên tiến mới sắp được ra mắt, quy trình sửa chữa sẽ càng phức tạp và yêu cầu cao hơn trong trường hợp hư hỏng.

Theo IIHS, mặc dù có nhiều vấn đề nảy sinh như vậy, nhưng trong số những người được khảo sát, chỉ một số nhỏ (hơn 5%) cho biết rằng, họ sẽ không mua một chiếc xe khác với tính năng cần sửa chữa tương tự. Tuy nhiên, bên cạnh đó, để tránh rắc rối và chi phí tốn kém từ việc sửa chữa, một số người lái có thể sẽ tắt những tính năng an toàn đi khi chúng gặp trục trặc, thay vì tìm cách sửa chúng. Điều này có thể gây nguy hiểm tiềm tàng cho người lái, dễ dẫn đến tai nạn. 

Các tính năng hỗ trợ người lái khó có thể phục hồi hoàn toàn sau khi sửa chữa - 3
Để tránh rắc rối và chi phí tốn kém từ việc sửa chữa, một số người lái có thể sẽ tắt những tính năng an toàn đi khi chúng gặp trục trặc, thay vì tìm cách sửa.

"Những công nghệ này đã được chứng minh có thể làm giảm va chạm và các chấn thương liên quan, mục tiêu của chúng tôi là khiến chủ sở hữu yên tâm rằng chúng hoàn toàn hoạt động bình thường sau khi sửa chữa" - Mueller cho biết./.

Theo CTV Khánh Linh (Vov.vn)

 

Nổi bật