Dưới đây là những mẹo bảo dưỡng xe tốt nhất mà hãng xe Nhật Bản Toyota khuyên cáo:
Tuân thủ theo sổ tay bảo dưỡng
Các chủ xe cần thực hiện theo các hướng dẫn được đề cập trong sổ tay bảo dưỡng xe dành cho khách hàng. Lịch trình này thường áp dụng theo số km hoặc theo thời gian.
Lịch bảo dưỡng sẽ phụ thuộc vào từng mẫu xe. Tuy nhiên, mốc bảo dưỡng trung bình là sau 6 tháng hoặc sau khoảng hơn 5.000 km lái xe.
Sau khoảng thời gian 6 tháng, khi đưa đi bảo dưỡng, chiếc xe sẽ được đánh giá chuyên môn đối với các bộ phận khác nhau và chức năng của chúng gồm mức dầu, kiểm tra áp suất lốp, kiểm tra phanh và lốp…
Lần kiểm tra chi tiết và toàn diện tiếp theo cho xe Toyota là sau 18 tháng. Các bộ phận được kiểm tra có chi tiết trong số tay bảo dưỡng của chủ xe.
Giữ xe sạch sẽ
Bất kỳ quá trình bảo dưỡng ô tô nào cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách chủ xe “đối xử” với xe của mình. Một chiếc xe được bảo dưỡng thường xuyên sẽ ít gặp rủi ro bất ngờ hơn khi các bộ phận riêng lẻ của nó được chăm sóc tốt.
Bụi bẩn trong quá trình di chuyển sẽ bám lại trên bề mặt ô tô, gây nên rỉ sét và ăn mòn chất lượng của lớp sơn xe. Để duy trì vẻ ngoài của xe, chủ xe nên giữ nó luôn sáng đẹp như ngày mới mua bằng cách rửa và vệ sinh xe thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc giữ cho không gian nội thất bên trong sạch sẽ và gọn gàng cũng quan trọng. Chủ xe nên thường xuyên làm sạch bảng điều khiển, sàn xe, ghế bọc, tay cầm cũng như kính để duy trì chất lượng sử dụng của xe.
Mẹo này đặc biệt quan trọng khi chủ xe muốn giữ giá trị của ô tô khi bán lại. Giá trị của chiếc xe sẽ giảm dần theo tổng thể của nó, cả về động cơ, nội thất và ngoại hình xe.
Tuân theo các quy trình kiểm tra xe thích hợp
Chủ xe nên thường xuyên kiểm tra các bộ phận quan trọng như má phanh, ắc quy, bugi, lốp và áp suất... Dù chỉ một lỗi nhỏ bị bỏ qua cũng có thể gây rắc rối trong quá trình chạy xe sau này.
Dầu động cơ là một chất lỏng thiết yếu giúp bôi trơn và bảo vệ động cơ cùng các bộ phận liên quan, tránh hao mòn do chuyển động liên tục.
Các chất lỏng quan trọng khác trong xe bao gồm chất làm mát, dầu phanh, nước rửa kính chắn gió, dầu hộp số, dầu trợ lực lái, chất tẩy rửa...cũng cần chú ý kiểm tra và đảm bảo chúng luôn ở mức phù hợp yêu cầu, tránh rơi vào tình huống xấu khi để bị hết hoặc thiếu.
Hiểu rõ về xe ô tô của mình
Các mẫu xe hơi đều có những điểm khác nhau về nhiều mặt như thiết kế, công nghệ, phụ tùng... Do đó, chủ xe cần có kiến thức về ô tô nói của mình như tìm hiểu về hệ thống đèn cảnh báo của xe. Ví dụ như thông báo một số lỗi về hệ thống làm mát hoặc áp suất lốp thấp, hay cần thiết phải thay dầu nhớt cho xe.
Chủ xe cần phải làm quen với các cách kiểm tra cơ bản như mức dầu động cơ, vòng tua máy, áp suất lốp và ắc quy…
Làm sạch các bộ lọc của xe thường xuyên
Để ô tô có thể hoạt động bình thường, giữ sạch sẽ “bộ hít thở” là điều vô cùng quan trọng.
Khi xe di chuyển, không khí sẽ đi vào đầu xe và sau đó qua bộ lọc gió để nạp vào buồng đốt động cơ. Bất kỳ mảnh vụn hoặc chất gây ô nhiễm nào bị mắc kẹt trong bộ lọc có thể khiến quá trình này không ổn định, gây mất hiệu suất hoạt động động cơ.
Đối với lọc gió điều hòa, việc quá bẩn cũng làm luồng không khí không được lưu thông hiệu quả hoặc làm lan tỏa trong cabin những vi khuẩn hoặc mùi có hại cho sức khỏe.
Do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra các bộ lọc và làm sạch hoặc thay thế khi cần thiết.
Che đậy ô tô là điều cần thiết
Trong trường hợp không có nhà để xe, chủ xe cần phải che đậy ô tô khi không sử dụng. Khi đỗ xe dưới gốc cây hoặc tại các khu vực trống trải, các chất bẩn như mưa, bụi, phân chim, nhựa cây... có thể tích tụ lâu ngày trên bề mặt xe và làm hư hỏng ngoại thất của xe những như gây khó khăn khi vệ sịnh sau này.
Theo Thanh Lam (VietNamNet)