Sang tháng Chạp cũng là lúc nhiều người tranh thủ chạy đua công việc cuối năm, mong có một cái Tết trọn vẹn nhưng với Thu Hằng, nhân viên bán hàng một đại lý Mazda tại TP HCM dù muốn cũng không được. Cô vừa từ chối lời hỏi mua mẫu CX-5 2018 bản 2.5 2WD màu xanh đen từ khách. Lý do là nhà máy không có hàng theo yêu cầu, trong khi khách muốn có xe trước Tết Nguyên đán.
Hằng cho biết thị trường ôtô năm nay gặp nhiều biến động, khiến nguồn cung dịp cận Tết lẽ ra cần dồi dào thay vì hạn chế như hiện nay. "Không thể không buồn, tiếc khi khách hỏi mua mà mình không thể giao xe cho khách chỉ vì không có hàng", cô nhân viên 25 tuổi nói.
Xe nhập, lắp ráp khan hàng
Bước sang 2018, thời điểm được dự đoán bùng nổ của thị trường ôtô Việt khi thuế nhập khẩu về 0% và đòn bẩy từ nhu cầu mua xe chơi Tết của người tiêu dùng. Ngay từ đầu năm, khi nhu cầu của khách lên cao, trong khi nguồn cung cả xe nhập và xe lắp ráp trong nước đều lâm vào cảnh khan hàng vì chính sách thuế và quy định nhập khẩu của Chính phủ.
Những năm trước, các mẫu xe "hot" thường sẽ khan hàng và khách phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn lấy sớm, nhưng năm nay hầu hết các mẫu xe của các hãng phổ thông đều hết hàng. Chưa năm nào thị trường cuối năm lại hết hàng trên diện rộng như vậy. "Hết xe để bán" trở thành câu cửa miệng của các nhân viên bán hàng mỗi khi khách hỏi.
Trường Hải cho biết, hai mẫu xe hot là Mazda CX-5 và Kia Cerato đã hết hàng vì linh kiện không về kịp thời điểm trước Tết. "Hãng đã gửi thông báo cho đại lý ngừng giao dịch hai dòng xe này từ nửa tháng trước. Phải đến tháng 4, tháng 5 tình hình mới ổn định trở lại", vị đại diện cho biết.
Nhiều hãng khác không thể chủ động nguồn cung tốt khi nhu cầu mua xe tăng cao. Ford cho biết cũng không còn hàng giao về các đại lý từ thời điểm này. Mẫu xe hút khách nhất của hãng là bán tải Ranger nhập khẩu chỉ kịp về một lô trước 2018. Một đại lý Ford ở Hà Nội cho biết, bình thường một tháng đại lý được giao 400 xe thì tháng này chỉ có 100 xe, không có hàng để bán. Những mẫu xe nhập được săn đón nhiều nhất trên thị trường như Honda CR-V 2018, Toyota Fortuner không thể đáp ứng sức mua tăng đột biến của người tiêu dùng.
"Nếu anh đặt Honda City bản cao cấp, bên em không chắc giao xe cho anh trước Tết. Nhà máy chưa có lịch thông báo xe nào và lượng xe về đại lý bao nhiêu", nhân viên bán hàng Honda ở quận Bình Tân cho biết. Riêng mẫu sedan cỡ C Civic nhập khẩu không còn hàng để bán cho khách vì xe ít nhưng lượng đặt mua lại quá cao.
Xe nhập tắc đường về do vướng Nghị định 116, Toyota và Honda mới đây thông báo tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam. Đối với xe lắp ráp, nhiều hãng chờ sản xuất theo lô linh kiện hưởng thuế 0% từ 2018 nên không kịp đáp ứng, bên cạnh đó một số hãng không lường trước được nhu cầu đổ dồn của khách hàng khi vừa bước sang 2018. Mẫu SUV bảy chỗ Hyundai Santa Fe có lượng đặt hàng tăng cao từ đầu 2018 nhưng linh kiện không về kịp, sản xuất xe tạm thời gián đoạn.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Tâm lý mong muốn sắm ôtô chơi Tết khiến người tiêu dùng lâm vào thế bị động. Điều này cộng hưởng với nguồn hàng khan hiếm đối với những mẫu xe hút khách là cơ sở để đại lý có nhiều chiêu bài để tối đa hóa lợi nhuận.
Lô hàng 750 xe Honda CR-V mới về Việt Nam trước 2018 là tin vui với người tiêu dùng trước thời điểm quy định siết chặt nhập khẩu ôtô có hiệu lực. Tuy nhiên mức giá không những không giảm như kỳ vọng mà ngược lại tăng lên do thuế nhập khẩu vẫn chịu mức 30% của 2017. Nhiều đại lý tranh thủ làm giá bằng cách ép khách mua thêm phụ kiện vài chục triệu đồng nếu muốn giao xe trước Tết.
Kiểu bán xe "bia kèm lạc" tạo nên tâm lý ức chế đối với nhiều người, bởi những thứ khách cần không có, những thứ có nhưng khách không cần. "Xe lắp thêm phụ kiện đại lý nói cần thiết nhưng bản thân người mua chưa chắc thấy vậy", anh Tiến Hùng, quận Thủ Đức đang có ý định mua Honda CR-V mới cho biết.
Bên cạnh Honda CR-V, những mẫu xe hút khách khác như Toyota Fortuner, Ford Ranger cũng có tình trạng nâng giá bằng nhiều cách. Người Việt từ chỗ mơ ôtô đến khi đủ khả năng mua cũng không thể có niềm vui trọn vẹn. Hoặc thậm chí có thể mua nhưng trớ trêu là đại lý không thể giao xe theo yêu cầu.
Kim Thủy, nhân viên bán hàng hãng Ford tại TP HCM cho biết, chị vừa thông báo mẫu Focus màu đen theo yêu cầu của khách không thể có xe trước Tết. "Vị khách này rất nhiệt tình, còn mình thì không thể làm gì hơn", Thủy nói.
Nguồn cung ít, các đại lý đánh vào điểm yếu tâm lý muốn mua xe chơi tết của người Việt. "Nếu không quá cần thiết, qua Tết Nguyên đán khi thị trường ổn định, người tiêu dùng có thể mua xe để tránh mất tiền thêm không mong muốn", ông Nguyễn Minh Đồng, cựu kỹ sư Volkswagen nêu quan điểm.
Theo Thành Nhạn (VnExpress.net)