Bất ngờ ô tô Trung Quốc 'lớn nhanh như thổi' ở Việt Nam

25/04/2024 14:16:23

Số lượng hãng xe Trung Quốc góp mặt ở Việt Nam đã ngang số lượng các hãng xe Nhật Bản!

Làn sóng xe Trung Quốc ồ ạt đổ bộ thị trường Việt Nam

Sau một thời gian khá dài thăm dò thị trường, kể từ năm 2023, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã liên tục ra mắt những mẫu xe mới nhất tại Việt Nam, với hi vọng sẽ chiếm lĩnh tại một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.

Thời gian gần đây ghi nhận việc các loại ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc bật tăng mạnh mẽ.

Tạp chí Giao thông vận tải, cơ quan của Bộ giao thông vận tải, dẫn báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024 đã có 5.821 ô tô nguyên chiếc mang xuất xứ Trung Quốc được nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch gần 177 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc quý I/2024 tăng đến 144% về lượng và tăng 91,3% về giá trị.

Khác với trước đây, hiện nay các dòng ô tô Trung Quốc vào Việt Nam không phân phối thông qua một bên thứ 3 nữa mà nhập khẩu về Việt Nam dưới diện chính hãng, thậm chí còn bắt tay với doanh nghiệp sở tại tại để lắp ráp trong nước.

Wuling

Wuling là cái tên được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu với những dòng xe giá rẻ, giúp người tiêu dùng phổ thông dễ dàng tiếp cận với ô tô hơn.

Ngày 18/02/2023, TMT Motors đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh của GM – SGMW để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của liên doanh SGMW tại Việt Nam. Nhà máy ô tô điện của TMT Motors được đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm và giai đoạn 2 là 60.000 xe/năm.

Sản phẩm đầu tiên là mẫu Wuling Mini EV đã chính thức bàn giao tới khách hàng Việt từ ngày 29/9/2023. Như vậy, với lần ra mắt này, người dùng Việt có thêm nhiều cơ hội sở hữu xe điện với mức giá “rẻ đến không ngờ”.

Dù vậy, sau hơn một năm, đến thời điểm hiện tại Wuling Mini EV chưa có được thị phần đáng kể và hãng xe Trung Quốc hẳn còn nhiều việc phải làm nếu muốn giành được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam.

Bất ngờ ô tô Trung Quốc 'lớn nhanh như thổi' ở Việt Nam
Ảnh: SGMW

MG

MG xuất hiện từ cách đây khá lâu, vốn là một thương hiệu của Anh Quốc nhưng nay thuộc sở hữu 100% của SAIC cùng với đơn vị phát triển và sản xuất tại Trung Quốc. Thương hiệu này cũng vào Việt Nam từ cách đây nhiều năm thông qua nhà phân phối TC Services (thuộc Tan Chong Motor) nhưng đã chuyển giao cho tập đoàn mẹ SAIC.

Từ ngày 1/7/2023, Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (SAIC) tiếp quản việc phân phối các dòng xe MG tại Việt Nam, mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách nhập khẩu MG5 MT và MG RX5 từ Trung Quốc. Trong đó, MG5 MT là mẫu sedan hạng C rẻ nhất Việt Nam với giá niêm yết là 399 triệu đồng. RX5 được định vị ngang với Mazda CX-5 với giá xe niêm yết từ 739 triệu đồng.

Haval

Đến tháng 8/2023, Haval - thương hiệu con của Tập đoàn Ô tô Trường Thành (GWM) - gia nhập thị trường Việt Nam với mẫu H6 HEV. Hiện tại, Haval Việt Nam hiện đang mở bán duy nhất dòng H6 HEV tại thị trường Việt Nam.

Bất ngờ ô tô Trung Quốc 'lớn nhanh như thổi' ở Việt Nam - 1
Ảnh: Haval

Đầu tháng 4/2024, hãng cũng xác nhận mẫu xe tiếp theo là Haval Jolion sẽ về Việt Nam bằng phiên bản hybrid. Hiện mẫu xe này đã được nhận đặt cọc chính hãng. Giới tư vấn bán hàng cho biết mẫu xe này sẽ ra mắt trong tháng 4/2024. Mức giá dự kiến khoảng dưới 700 triệu đồng.

Lynk & Co

Ngày 16/12/2023, hãng xe Trung Quốc Lynk & Co chính thức giới thiệu tới khách hàng loạt sản phẩm đầu tiên của mình tới khách hàng Việt là 3 mẫu SUV Lynk & Co 01, 05, 09 và 1 mẫu sedan Lynk & Co 03+. GreenLynk Automotives là đơn vị nhập khẩu và phân phối chính hãng Lynk & Co tại Việt Nam.

Bất ngờ ô tô Trung Quốc 'lớn nhanh như thổi' ở Việt Nam - 2
Ảnh: Lynk & Co

Haima

Ngày 17/12/2023, hãng xe Trung Quốc Haima chính thức chào sân thị trường Việt Nam với 2 mẫu MPV cỡ trung Haima 7X và biến thể chạy điện Haima 7X-E.

Trong đó, mẫu xe chạy xăng Haima 7X được đưa về Việt Nam chỉ có 1 phiên bản là 7X Premium. Còn biến thể chạy điện 7X-E được giới thiệu 2 phiên bản là Comport và Premium. Đây cũng là mẫu xe thuần điện đầu tiên trong phân khúc MPV tại Việt Nam.

Theo thông tin từ nhà phân phối xe Haima tại Việt Nam, mẫu xe tiếp theo có tên gọi Haima 8S dự kiến sẽ ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 4/2024. Xe sẽ được mở bán với 3 phiên bản lựa chọn.

Bất ngờ ô tô Trung Quốc 'lớn nhanh như thổi' ở Việt Nam - 3
Ảnh: Haima

Sau lần đầu thâm nhập thị trường Việt không thành công hơn chục năm trước, lần này hãng xe Trung Quốc Haima trở lại với nhà phân phối mới là công ty Carvivu, quyết tâm chinh phục thị trường. Tại Việt Nam, Haima không phải là cái tên quá xa lạ bởi thương hiệu xe Trung Quốc này đã từng có mặt tại thị trường trong nước năm 2011 bởi một công ty nhập khẩu ở Hải Phòng. Tuy nhiên, 6 năm sau (2017), thương hiệu này đã rút lui.

Omoda & Jaecoo

Ngày 4/4/2024, thương hiệu xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo (thương hiệu con của tập đoàn Chery) và tập đoàn Geleximco ký hợp đồng liên doanh và hợp tác xây dựng nhà máy tại Thái Bình. Theo kế hoạch, nhà máy xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo có công suất 200.000 xe mỗi năm. Việc xây dựng nhà máy thực hiện theo ba giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD. Trong quá trình xây dựng nhà máy, những mẫu xe mà Omoda & Jaecoo đưa về Việt Nam được nhập khẩu chính hãng từ Indonesia. Theo chia sẻ từ hãng, hai mẫu xe Omoda C5 và E5 ra mắt đầu tiên vào quý III. Jaecoo 7 và 7 PHEV sẽ ra mắt vào quý IV.

Hãng xe Trung Quốc Chery từng xuất hiện tại Việt Nam hồi 2009 thông qua hợp tác với Liên doanh ôtô Hòa Bình (VMC). Sản phẩm đầu tiên, chiếc QQ3 lắp ráp trong nước giá khoảng 180 triệu đồng. Một năm sau, hãng ra mắt chiếc xe định vị "cao cấp" Riich M1 giá 288 triệu đồng. Tuy nhiên, giá bán rẻ vẫn không giúp các mẫu xe này có doanh số tốt và chỗ đứng trong lòng khách Việt. Đến năm 2013, thương hiệu này rút khỏi Việt Nam.

BYD

Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc - BYD - sắp bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bằng việc mở đại lý chính hãng tại Hà Nội, dự kiến vào 1/5/2024. Xe của BYD bán tại Việt Nam sẽ nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong số các sản phẩm của BYD, mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ Atto 3 được người dùng chờ đợi nhất. Đây cũng là một trong những mẫu xe bán chạy nhất của BYD trên toàn cầu.

Aion

Aion - hãng xe thuần điện của Trung Quốc, trực thuộc Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC) là thương hiệu tiếp theo sẽ ra mắt tại Việt Nam. Aion đã có nhà nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam là công ty Harmony Việt Nam, công ty con của Harmony Group (Trung Quốc). Nhà phân phối này đang tìm kiếm đối tác để thành lập đại lý, chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh dự kiến vào tháng 6/2024. Hiện showroom đầu tiên đã hoạt động (chưa chính thức) ở quận 7, TP HCM, nơi khách hàng có thể đến tham khảo mẫu xe thuần điện Y Plus.

Đối thủ mới của xe Nhật, xe Hàn

Như vậy, tổng cộng đã có 5 thương hiệu ô tô Trung Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam (Wuling, Haval, Haima, Lynk & Co, SAIC) và sắp có thêm 3 nhãn hàng nữa sắp bán xe (Omoda & Jaecoo, BYD và Aion). Con số này đã ngang các hãng xe Nhật Bản (Toyota, Suzuki, Honda, Nissan, Isuzu, Mazda, Lexus) và hơn hẳn Hàn Quốc (Hyundai, Kia).

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều mẫu xe từ các thương hiệu Trung Quốc được nhập khẩu và phân phối ở Việt Nam bởi các công ty tư nhân. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Beijing và Hongqi. Hai thương hiệu này đều có mặt tại Việt Nam từ cách đây khá lâu thông qua nhà phân phối chính thức là công ty Kylin-GX668 với số lượng ít các mẫu xe đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Với Beijing (thuộc tập đoàn BAIC) là mẫu X7 nổi danh và Hongqi (Hồng Kỳ) là bộ đôi H9 và E-HS9. Tuy nhiên, hệ thống đại lý khiêm tốn cùng chiến lược kinh doanh chưa được đầu tư nhiều khiến cả Beijing và Hongqi khó tiếp cận đến phần đông khách hàng tại Việt Nam.

Có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều hãng xe Trung Quốc đang có “tham vọng” chiếm lĩnh thị phần tại các quốc gia đang có tiềm năng lớn về ô tô, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh những vấn đề như nhập khẩu hay đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam để tận dụng chính sách ưu đãi từ Chính phủ, thời điểm thực hiện, mức giá thì một vấn đề mà các hãng xe Trung Quốc phải đối mặt chính là tâm lý của người tiêu dùng.

Thứ nhất, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay, các hãng xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc luôn chiếm đa số thị phần trên tất cả các phân khúc xe hơi. Theo báo cáo của VAMA, năm 2022, Toyota tiếp tục giữ vị trí quán quân với 22% thị phần, Hyundai (17%), Kia (15%), Mitsubishi (10%), Mazda (9%), Honda (7%), Ford (7%), 13% còn lại bao gồm tất cả các thương hiệu khác, trong đó chỉ có một phần nhỏ là xe thương hiệu Trung Quốc.

Sang năm 2023, Hyundai giữ vị trí đầu bảng với lượng bán 67.450 xe ( chiếm 22,3%) ; Toyota ở vị trí số 2 với lượng bán 57.414 xe (19%); KIA ở vị trí số 3 với 40.733 (13,4%) ; Ford ở vị trí số 4 với 38.322 xe (12,6%) và ở vị trí số 5 là Mazda với 35.632 xe (11,7%). Các hãng xe còn lại chiếm khoảng 20% thị phần xe ô tô Việt Nam. Tính chung cả năm 2023, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA trên toàn thị trường đạt 301.989 xe.

Rõ ràng, những thương hiệu mới nổi, đến sau sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu đã khẳng định được tên tuổi trong mắt người tiêu dùng.

Thứ hai, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn có ít nhiều e dè với hàng Trung Quốc. Đặc biệt, với chiếc ô tô là một tài sản giá trị lớn, yêu cầu của người dùng cũng sẽ khắt khe hơn. Xe của Đức, Nhật, Hàn vẫn là lựa chọn hàng đầu của số đông.

Một số mẫu xe Trung Quốc ra mắt tại Việt Nam thời điểm năm 2010-2012 bị đánh giá “mượn” ý tưởng ngoại thất của một số mẫu xe khác đã có mặt trên thị trường. Mặt khác, chất lượng sản phẩm chưa được kiếm chứng... Những điều này khiến nhiều người dùng cá nhân chưa thực sự mặn mà với xe Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc các mẫu xe Trung Quốc được phân phối chính hãng phần nào giúp khách Việt yên tâm khi lựa chọn, do khâu bảo dưỡng, chăm sóc đã được đảm bảo hơn. Giống với trường hợp xe Hàn cách đây hơn chục năm khi mới ra nhập thị trường, xe Trung Quốc không phải là không có cơ hội tại Việt Nam. Để thay đổi được định kiến của số đông, các hãng xe cần thời gian, sự kiên trì và nhất là sự đầu tư nghiêm túc cho sản phẩm của mình.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng xe Trung Quốc đang "lớn nhanh như thổi" và dần trở thành một "thế lực mới" tại thị trường ô tô Việt Nam.

Theo Bích Câu (Nguoiduatin.vn)