1. Đèn dạng mắt cáo: Thập niêm 1990, đèn pha của xe môtô chỉ đơn giản là dạng tròn (đơn hoặc đôi) và hình chữ nhật. Chỉ có NR750 và VFR750 đi khác chuẩn mực đó. Thực tế, đèn của NR750 là dạng hình chữ nhật dẹp, một đường kẻ chia đèn ra làm hai phần. 2. Gắp đơn: Trước NR750 đã có một số mẫu xe sử dụng gắp đơn như RC30 ở năm 1987 và BMW R80G/S ở những năm 1980. Tuy nhiên, gắp đơn của những mẫu xe này khá thô sơ và dừng lại ở mức tiện lợi. Chỉ đến NR750, gắp đơn mới được nâng tầm lên là một vẻ đẹp và làm cảm hứng cho chiếc Ducati 916. 3. Ống xả đút gầm: Nhiều người cho rằng Honda NR750 là mẫu xe đầu tiên sử dụng ống xả đút gầm. Thực tế đã có một số mẫu xe 2 thì sử dụng ý tưởng này trước đó. Massimo Tamburini đã sửa bản thiết kế của Ducati 916 theo ý tưởng của NR750. Nếu NR750 không ra đời, Ducati 916 có thể sẽ sử dụng ống xả một bên giống Cagiva Mito. 4. Kính chắn gió tráng titanium: Thập niên 1990, mũ bảo hiểm thường sử dụng kính được tráng titanium để trở nên thu hút hơn. Honda cũng làm điều tương tự với kính chắn gió của NR750 nhưng với mức giá đắt hơn nhiều - 1.572 euro ở thời điểm đó. 5. Đồng hồ kỹ thuật số: Mẫu xe đầu tiên sử dụng đồng hồ kỹ thuật số phải kể đến là Suzuki RE5. Nhưng phải đến NR750, dạng đồng hồ này mới trở nên nổi bật. Honda đã tách hẳn phần báo tốc độ với phần còn lại bao gồm đồng hồ đo tua máy, nhiệt độ, áp suất dầu. Với những con số màu vàng trên nền đen, bạn chỉ cần một cái liếc mắt để có thể xem được tốc độ của xe. 6. Vật liệu carbon: Ngày nay, sợi carbon là vật liệu khá phổ biến trong sản xuất xe, thậm chí có những khung xe được làm hoàn toàn từ sợi carbon như BMW HP4 RACE và Ducati 1299 Superleggera. Nhưng ở năm 1992, sợi carbon chỉ xuất hiện trên các mẫu xe đua, với tần suất rất hiếm. Miếng ốp bình xăng và yên xe trên NR750 có giá lên đến 6.839 euro. 7. Piston hình bầu dục: Không thể không kể đến một điểm nhấn về động cơ của Honda NR750 khi sử dụng piston hình bầu dục. Honda đã theo đuổi ý tưởng này từ cuối những năm 1970 và bắt đầu được ứng dụng trên chiếc NR500 GP. Honda phát triển loại piston này vì muốn chứng minh xe 4 thì có thể đánh bại xe 2 thì tại đua MotoGP. 8. Thanh truyền kép: Luật MotoGP thời đó cấm các xe sử dụng động cơ 8 xy-lanh nhưng không giới hạn số thanh truyền. Với piston hình bầu dục, động cơ của NR750 trông như động cơ V8 với hai thanh truyền ở mỗi piston. Điều đó rất cần thiết để ngăn piston bị giãn nở và làm hư hại bên trong xy-lanh. 9. Tám xupap trên mỗi xy-lanh: Một hệ quả khác của việc sử dụng piston hình bầu dục là cần đến 8 xupap cho mỗi xy-lanh. Cùng với 2 bu-gi, 8 xupap sẽ đáp ứng tốt khi xe hoạt động ở vòng tua cao. Trong khi NR750 có thể đạt tua máy 15.000 vòng/phút thì NR500 GP sinh ra từ ý tưởng này có thể đạt tua máy lên đến 21.000 vòng/phút. 10. Mức giá điên rồ: Thời điểm ra mắt, Honda NR750 có mức giá lên đến 38.000 bảng Anh, tương đương mức giá 72.000 bảng Anh thời điểm hiện tại. Mức giá này ngang ngửa với những siêu phẩm hiện nay như Ducati 1299 Superleggera hay BMW HP4 RACE. Với mức giá tương đương một chiếc Porsche 968 Cabriolet , Honda đã rất khó khăn để bán hết 200 chiếc NR750 trên toàn thế giới. Theo Thượng Tâm (Tri Thức Trực Tuyến)