Không thể phủ định được rằng, việc học tiếng Anh nói chung và luyện thi các chứng chỉ ngoại ngữ như: IELTS, TOEIC… hiện nay là vô cùng phổ biến. Bởi lẽ, nó không chỉ là một chứng chỉ đánh giá khả năng ngôn ngữ mà còn mở cánh cửa cho nhiều cơ hội học tập và làm việc sau này. Lợi ích của chứng chỉ này mang lại to lớn như vậy, nên nhiều gia đình "đua" nhau cho con học thêm IELTS bằng được dẫn đến nhiều hệ lụy.
Mới đây, bài đăng của phụ huynh Hà Nội kể về hành trình giúp con gái sinh năm 2k11 đạt IELTS 8.0 (Listening: 9.0; Reading: 8.5; Writing: 7.5; Speaking: 7.5) đang nhận được sự quan tâm của dân tình. Theo vị này, con đang học tại một trường công lập ngoại thành ở Hà Nội. Trước khi thi IELTS, cô bé có 10 buổi với một thầy giáo người Canada. Bản thân chị cũng là người dạy IELTS, nhưng chị lại không cho con tiếp cận bài thi này theo cách truyền thống, mà thay đổi theo hướng mới.
Suốt bài đăng, người mẹ này đã chia sẻ khá chi tiết các giai đoạn học hành của con mình, từ lớp 3 đến thời điểm hiện tại. Trong đó có các ý nổi bật như bé gái con chị bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc từ lớp 3 thông qua Acellus (hệ thống học tập trực tuyến được thiết kế và công nhận cho học sinh lựa chọn hình thức học tại nhà), đọc đủ đầu sách khoa học dành cho trẻ em từ cơ bản đến nâng cao như Wimpy Kid, Dear Dumb Diary, Oxford Bookworm, Oxford Read And Discover... Đến giai đoạn lớp 4 và 5, em bắt đầu học kỹ năng viết với các dạng bài IELTS và phân tích hình ảnh qua những bài báo khoa học. Em tham gia vào các nhóm học Khoa học Xã hội và Kinh tế trên MXH và tiến hành tìm hiểu về những chủ đề đa dạng như muối, vi khuẩn, bệnh bạch tạng ở động vật hay thậm chí là lý thuyết về cung, cầu, bàn tay vô hình, kinh tế donut (kinh tế học hình khuyên), nguyên lý bàn tay vô hình, hiệu ứng cánh bướm, nền kinh tế thị trường...
Đến lớp 6 và 7, cô bé tiếp tục được mẹ cho mở rộng vốn hiểu biết qua các hoạt động như tranh biện, hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc, và các cuộc thi viết, cùng với việc theo dõi các chương trình tài liệu và thí nghiệm tâm lý. Đặc biệt, việc bé đạt điểm cao trong phần nói của bài thi SAT thử cho thấy khả năng tiếng Anh của bé không chỉ giới hạn ở IELTS mà còn có thể áp dụng cho các kỳ thi khác. Cuối cùng, việc tham gia kỳ thi IELTS với tâm thái thoải mái đã cho thấy một cách tiếp cận mới đối với việc thi cử, dù kết quả không như mong đợi với chỉ 8.5 ở kỹ năng đọc.
Netizen tranh cãi kịch liệt
Sau khi đăng tải bài viết này, bên cạnh những lời khen trước thành tích mà cô bé đạt được, không ít netizen cảm thấy bức xúc vì cách dạy con theo kiểu "ép chín" này của người mẹ. Ở phía những lời khen, một bộ phận tỏ rõ sự ngưỡng mộ khi mới lớp 7 mà cô bé đã đạt thành tích nhiều người lớn còn chưa làm được. Ngoài ra, họ cũng rất tán đồng với cách dạy con học IELTS không theo kiểu truyền thống, mà để con tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên như vị phụ huynh đưa ra.
- Mình thấy bé giỏi quá, nhỏ xíu mà đã đạt 8.0 IELTS rồi, đúng là siêu nhân mà.
- Mọi người có ý kiến gay gắt quá, nhưng biết đâu sức học và sức tiếp thu của bé tốt nên với mọi người lượng kiến thức trên là nhiều, nhưng bé lại thấy bình thường.
- Mình rất thích cách mẹ cho bé phát triển khả năng ngôn ngữ theo cách tự nhiên, chứ không phải đọc rồi ghi chép phức tạp như truyền thống.
Tuy nhiên, số đông netizen lại đặt dấu hỏi về cách dạy con của vị phụ huynh này. Mới lớp 7, đáng lẽ ra ở độ tuổi này em có thể vui chơi bay nhảy cùng bạn bè, ấy thế mà thời gian học tập của em vượt quá thời gian ngủ nghỉ. Em đang được phụ huynh cho tiếp cận với những vấn đề quá vĩ mô, đôi khi người đọc còn không hiểu. Bên cạnh đó, chứng chỉ IELTS chỉ có thời hạn 2 năm nên việc bắt một cô bé 13 tuổi phải ôn luyện nó ngày đêm là thực sự không cần thiết.
Người dùng Đ.H.V thẳng thắn chia sẻ: "Mình thấy thương cho bé này, nhìn ảnh chân dung bé thiếu sức sống là hiểu bé đã trải qua những điều gì. Đây đích thị là 'một sản phẩm thí nghiệm'. Vì sao mình lại gọi là vậy, vì trên cái trái đất này chả có người phụ huynh nào làm thế và người mẹ này là người đầu tiên làm. Bé con phải trải qua một quá trình nghiên cứu, cải tiến (kiểm soát từ không gian, thời gian, chất, lượng tới suy nghĩ - con người khác vật vô tri bởi có cái này đấy) để đưa ra kết quả (cách học, khoe mẽ thành quả...)".
"Làm ơn để tụi trẻ sống có tí tuổi thơ và hạnh phúc đúng lứa tuổi đi ạ. Cách dạy con của bà mẹ không khác gì Child Abuse (lạm dụng trẻ em) cả. Thật sự những kiến thức mà em từng được mẹ nhồi vào đầu, từ lý thuyết về cung cầu, bàn tay vô hình, kinh tế donut (kinh tế học hình khuyên), rửa tiền, nguyên lý bàn tay vô hình, hiệu ứng cánh bướm... mình còn chưa hiểu thật sự kỹ, có cái còn chưa từng nghe thấy", bạn T.T cảm thán.
"Kỳ tích đáng khen, đáng ngưỡng mộ thật. Nhưng để có một kỳ tích mà nguyện đánh đổi những tháng ngày thơ ấu của một đứa bé có thật sự đáng không? Nó sẽ chạy nhanh hơn bất kì ai khác trong cuộc đua học vấn và sự nghiệp sau này, nhưng mãi mãi mất đi một phần đứa bé trong mình. Chạy nhanh chỉ để mất dần mất dần. Vài năm nữa, không biết trong em ấy có còn tồn tại một bản thân nguyên vẹn mà không bị người phụ huynh này tạc ra từ ảo mộng của chính bà hay không nữa…", nickname T.N nêu quan điểm.
Người dùng I.G bày tỏ: "'Con chỉ được 8.5 đọc' - đọc xong câu này mình thấy đau lòng vô cùng. Mục đích cuối cùng của cả quá trình này cũng chỉ là đạt điểm thật cao, thật tuyệt đối để mẹ có thể đeo huy chương thôi ấy hả. 13 tuổi cầm một tấm bằng IELTS 8.0 bục mặt đọc về khoa học, kinh tế trong khi chưa chắc là con mình có thật sự theo đuổi ngành này ở tương lai hay không, mà có theo thì cũng chẳng phải thời gian thích hợp để đọc về cái đấy vì đơn giản ở độ tuổi đấy thì thực sự là cần thiết phải đụng đến làm kinh tế không?".
"Mình đồng ý tiếng Anh là rất quan trọng nhưng 'uốn' con theo một lộ trình như một cái máy thế này có phải là điều thực sự tốt? Hoặc cũng có thể bé này là thiên tài nên mẹ mới cho bé tiếp xúc với các chủ đề mà thật sự đến người lớn còn chật vật để hiểu chứ đừng nói gì ở độ tuổi nhỏ như thế. Nhưng kể cả thế… đã có rất nhiều câu chuyện các thiên tài mất đi tuổi thơ thế nào khi chỉ biết học và học. T ko ủng hộ cách rèn con thế này tý nào cả", phụ huynh B.N nhấn mạnh.
Động thái mới nhất của người mẹ
Sau khi bị dân tình "ném đá", người mẹ này đã khóa bảo vệ trang cá nhân. Ngoài ra, dưới bài đăng liên quan của một fanpage, chị cũng để lại bình luận nhằm giải thích cho phương pháp và cách dạy con của bản thân.
Theo đó, người mẹ nhấn mạnh mục tiêu của mình khi đăng bài viết này là để mọi người "tham khảo một hướng học IELTS khác", chứ không hề có ý khoe khoang gì cả.
Còn về vấn đề bức ảnh chân dung của con trên tấm bằng IELTS với biểu cảm thiếu sức sống, mệt mỏi, ủ rũ, người mẹ chia sẻ do hôm trước khi chụp ảnh gia đình bị hỏng điều hòa, 1h đêm con mới ngủ được nên "trông con buồn ngủ là điều dễ hiểu".
"Có thể cách nhìn về sự 'phấn chấn' của mình và bạn là khác nhau. Với mình con thi được một cách tỉnh táo, dư thời gian và đạt kết quả khá tốt trong hoàn cảnh này là sự phấn chấn của con rồi", người mẹ khẳng định.
Trước ý kiến cho rằng con vị này học tập suốt ngày không có khoảng nghỉ ngơi, người mẹ phản pháo: "Góc nhìn khác nhau, mình tôn trọng, nhưng do có một số phụ huynh đọc bài mình nên mình sẽ làm rõ hơn. Bé nhà mình mỗi chiều ngủ 1,2h (học nửa ngày), con không có và không dùng điện thoại, sở thích của con là đọc sách, vẽ tranh, viết truyện, viết về những điều mình thích. Bé nhà mình dành thời gian cho câu lạc bộ viết, đi Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc, đấu Debate (dù không nhiều), vẽ tranh, làm bánh, đi chơi, đọc sách, hướng dẫn các em nhỏ học khi có thời gian, thi những cuộc thi bổ ích khiến con trưởng thành".
Dù đã lên tiếng đính chính, nhưng phản hồi của người mẹ vẫn không làm dân tình nguôi ngoai. Thậm chí, có người còn nói chị chỉ đang "thanh minh" cho việc làm của mình
Bạn nghĩ sao về vụ việc này?
Theo Đông (Phụ Nữ Mới)