Ngày 25/8, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Hồ Xuân Hải (sinh năm 1971) để điều tra, xử lý về tội giết người xảy ra tại thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Hải là nghi can duy nhất được cho là đã thực hiện hành vi đầu độc khiến vợ và 3 con gái ruột của mình thiệt mạng. Khám nghiệm các tử thi, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với vợ và 3 người con của Hải là do ngộ độc khí CO.
Làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Hồ Xuân Hải khai nhận do gia đình đầu tư kinh doanh thất bại và lâm vào nợ nần số tiền lớn, ông đã đi mua bình khí CO, khi vợ con ngủ say, xả khí độc này vào phòng. Sau đó, ông này cũng vào phòng có khí độc tự tử để thoát khỏi cảnh bế tắc.
Hậu quả, vợ ông là bà N.H.N.D. (49 tuổi) và 3 con gái H.N.K.N. (21 tuổi), H.N.K.G.M. (14 tuổi) và H.N.T.Â. (10 tuổi) chết. Ông Hải được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, không lâu sau sức khỏe hồi phục, tỉnh táo.
Trước đó, ngày 1/6, khi mất điện, ba bố con ở TP Hải Phòng đã vào ô tô của gia đình bật máy lạnh ngủ dẫn tới việc một người chết, hai người khác cấp cứu. Các bác sĩ nhận định nếu không lấy gió bên ngoài, không khí không có sự lưu thông dẫn đến tăng hàm lượng khí CO và loại khí này sẽ khiến người ngủ trong xe bị ngộ độc, hôn mê đến chết.
Ngộ độc khí CO nguy hiểm thế nào?
Khí CO (carbon monoxide) là một loại khí độc được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì không màu, không mùi, không vị và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh.
Khi bị ngộ độc khí CO thường khó phát hiện, đến khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì thường không còn khả năng gọi cấp cứu nữa. Carbon monoxide là nguyên nhân ngộ độc tử vong hàng đầu từ các chất độc không chủ ý.
VTC News dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, hồng cầu vận chuyển oxy nhờ một chất gọi là hemoglobin (huyết sắc tố). Mỗi phân tử hemoglobin như một chiếc xe tải để chở oxy đi khắp cơ thể.
Ở điều kiện bình thường, oxy được vận chuyển trong máu động mạch ở hai dạng, kết hợp với hemoglobin (96-97%) và hoà tan trong máu (3-4%).
Khi CO xâm nhập đường thở, chúng lập tức kết hợp rất nhanh với hemoglobin và tạo thành một hợp chất rất bền vững. Có thể hiểu nôm na rằng, các CO này nhanh chóng nhảy lên chiếm hết chỗ trên các xe tải (hemoglobin) và cố thủ ở đó.
Như vậy lúc này, các phân tử hemoglobin trong máu nạn nhân trở nên vô dụng, không thể vận chuyển được oxy nữa. Cơ thể nạn nhân cạn kiệt oxy, khiến họ rơi vào trạng thái chết ngạt trên cạn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thành Úc - chuyên gia về nhi khoa - cũng cho biết thêm khí CO là một chất khí không màu, không mùi, có thể giết người mà không cần cảnh báo trước.
Khi hít phải một loại khí vô hình như CO, nạn nhân hoàn toàn không có cảm giác gì lạ. Chỉ khi nồng độ CO tăng lên trong máu, lúc đó mới xuất hiện triệu chứng. Nhức đầu và buồn nôn có thể bắt đầu xuất hiện khi nồng độ CO từ 10% đến 20% trong máu.
Khí CO khi bị hít phải sẽ đi vô phổi, khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch phổi vào máu và liên kết với huyết sắc tố, có ái lực lớn gấp 240 lần so với ái lực oxy, liên kết này bền vững hơn oxy rất nhiều dẫn tới chất huyết sắc tố không thể gắn với oxy được nữa.
Hậu quả là tất cả mô và tế bào cơ thể không được cung cấp oxy, trong khi các bộ phận của cơ thể chúng ta đều rất cần oxy.
Đối với não, nếu không được nạp oxy từ 4 tới 5 phút sẽ bắt đầu bị tổn thương, sau 9 tới 10 phút bị tổn thương hoàn toàn và không thể hồi phục được, người bệnh sẽ nhanh chóng tổn thương các cơ quan và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sơ cứu bệnh nhân ngộ độc khí CO ra sao?
Nếu phát hiện ra nạn nhân ngộ độc khí CO, người cấp cứu cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự như sau:
Khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu CO.
Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.
Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Cách hà hơi thổi ngạt: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.
Nếu nạn nhân ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Khi chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp.
Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.
PN (SHTT)