Đối với nhiều người, việc vợ chồng cùng làm việc chung tại một công ty tưởng chừng như sẽ vô cùng hạnh phúc. Một khung cảnh "màu hồng" chính là cả hai sẽ cùng đưa nhau đi làm, ăn trưa cùng nhau rồi cùng nhau về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Chưa kể, nếu không chỉ cùng công ty mà còn cùng bộ phận thì có thể giúp đỡ nhau, san sẻ nhau những gánh nặng trong công việc. Thế nhưng, đó là khi mọi chuyện vẫn màu hồng. Trên thực tế thì đôi khi sự việc không được như mong đợi, như trường hợp trong bài này là một ví dụ.
Theo đó, hai vợ chồng cùng làm công ty xây dựng. Tuy nhiên, người vợ phải tạm nghỉ để thai sản khiến gánh nặng kinh tế đè lên vai chồng. Sau khi con cái đủ cứng cáp, người vợ trở lại công việc và nhanh chóng được thăng chức. Trong khi người chồng thì chểnh mảng và bị giáng xuống làm cấp dưới của chính vợ mình. Mâu thuẫn bùng phát khi những xung đột giữa việc cảm thấy thua kém vợ, cộng thêm thái độ công việc không tốt của người chồng. Thậm chí, theo người vợ chia sẻ, cả hai còn cãi nhau đến mức không thèm nhìn mặt nhau một thời gian dài.
Rõ ràng, việc san sẻ gánh nặng kinh tế với nửa kia là chuyện đáng được hoan nghênh. Nhưng có lẽ, cô vợ trong bài thực sự gặp khó khăn khi chồng có phần tư tưởng khá bảo thủ, lại còn thiếu chuyên nghiệp trong công việc. Ngoài ra, việc bị giáng cấp xuống làm cấp dưới của vợ khiến anh này cảm thấy thua kém, nhưng không nhận ra rằng thay vì phải nỗ lực hơn, thì anh ta lại trút sự ức chế của bản thân lên gia đình.
Tất nhiên, người vợ sẽ phải tìm cách để giải quyết xung đột. Nhưng có lẽ, "chiến tranh" sẽ tiếp diễn hoặc sẽ quay lại trong tương lai, khi bản tính đã hằn sâu vào tiềm thức của người đàn ông - vốn đáng lẽ phải là trụ cột của gia đình.
Duy Lộc (SHTT)