Vào viện khi có nồng độ cồn, người bệnh được hưởng Bảo hiểm y tế không?

20/03/2024 13:48:10

Người say rượu bia khi nhập viện có thể gây một số khó khăn cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, quyền lợi về chế độ Bảo hiểm y tế của người bệnh không bị ảnh hưởng.

Thưa bác sĩ, tôi uống 3 ly rượu vẫn tỉnh táo chạy xe máy an toàn về nhà. Vậy, nếu thổi nồng độ cồn, tôi có vi phạm không? Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, tôi có bị mất các quyền lợi Bảo hiểm y tế hay không? (Phan Hoàng, Đồng Nai) 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hà Đức Sơn, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện 30-4 (Bộ Công An), trả lời:

Việc bạn thấy mình tỉnh táo sau khi uống rượu hay không, hoàn toàn là đánh giá cảm tính của cá nhân. Chỉ số nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu được dùng để đánh giá mức độ tỉnh táo của bạn, đảm bảo cho việc lái xe an toàn.

Quy định mức nồng độ cồn cho phép với người điều khiển phương tiện theo Nghị định 100/2019-NĐ/CP là 0mg/lít khí thở. Khi bạn uống 3 ly rượu, lúc này cơ thể bạn đã có nồng độ cồn trong máu nên chắc chắn có vi phạm nếu đo nồng độ cồn.

Ngưỡng tiêu thụ rượu bia hay đồ uống có cồn cũng như khả năng chuyển hóa rượu bia của cơ thể mỗi người khác nhau. Vì vậy, không có tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ say (hoặc chưa say) của một người khi tiêu thụ đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, người ta có thể đo nồng độ cồn trong hơi thở hoặc nồng độ cồn trong máu làm căn cứ để xác định tác động của cồn đối với các hoạt động và trạng thái của cơ thể.

Vào viện khi có nồng độ cồn, người bệnh được hưởng Bảo hiểm y tế không?
Đo nồng độ cồn trong hơi thở với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Đình Hiếu. 

Trường hợp người bệnh vào viện mà có cồn trong hơi thở hoặc trong máu không thuộc các trường hợp không được hưởng Bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Vì thế, quyền lợi về chế độ Bảo hiểm y tế trong quá trình người bệnh điều trị không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân có sử dụng rượu bia sẽ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, khi tiếp nhận nạn nhân say rượu bia trong trạng thái bất tỉnh, nhân viên y tế khó phân biệt nguyên nhân bị ngất là do rượu bia hay bởi một chấn thương nào đó ở não.

Khó khăn trong chẩn đoán ngay từ đầu có thể kéo theo trạng thái “nhiễu” kết quả khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu, ảnh hưởng đến điều trị. Nạn nhân cũng không đủ tỉnh táo để cung cấp thông tin hay cho biết về tình trạng thương tích của cơ thể, bác sĩ có thể bỏ sót thông tin.

Ngoài ra, nhân viên y tế còn chịu áp lực vì an toàn của bản thân, đồng nghiệp và các bệnh nhân khác. Thực tế, có những trường hợp người bệnh (hoặc người đi cùng) say rượu bia, mất kiểm soát, thiếu bình tĩnh dẫn đến gây sự, xô xát, hành hung nhân viên y tế… Tất cả những điều này càng làm chậm trễ thời gian cứu chữa người bệnh. 

Theo Linh Giao (VietNamNet)