Tại sao xe nồng nặc mùi rượu nhưng tài xế có nồng độ cồn bằng 0?

13/03/2024 13:48:45

Nữ tài xế ở Hà Nội thừa nhận uống rượu bia nhưng nồng độ cồn bằng 0 nên không bị phạt.

Tối 12/3, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) phát hiện ô tô mang BKS 30A-551.xx nồng nặc mùi rượu nên tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. 

Nữ tài xế thừa nhận hai vợ chồng đã uống rượu bia vào chiều 12/3. Tuy nhiên, khi kiểm tra nồng độ cồn, người phụ nữ nêu trên không vi phạm.

Theo các chuyên gia, tùy theo cơ địa từng người, tốc độ đào thải nồng độ cồn khác nhau. Trong một số trường hợp, ngay cả khi cơ thể, hơi thở của tài xế còn mùi rượu, nồng độ cồn vẫn bằng 0. 

Theo Science Direct, khi thấy mùi rượu từ tài xế hoặc trên ô tô, cảnh sát thường đưa ra quyết định kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, hơi thở có mùi rượu không đồng nghĩa với vi phạm nồng độ cồn. 

Tại sao xe nồng nặc mùi rượu nhưng tài xế có nồng độ cồn bằng 0?

Một thử nghiệm của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ có sự tham gia của 75 người đàn ông đã uống rượu bia. Sau nửa giờ, cảnh sát sẽ gặp những người này và đưa ra đánh giá họ có vi phạm nồng độ cồn hay không dựa trên mùi rượu và các biểu hiện khác như mặt đỏ bừng, nói ngọng, lơ mơ, đầu tóc rối bù…

7% số lái xe có mùi rượu nhưng nồng độ cồn bằng 0. 

Ở lái xe có nồng độ cồn từ 0,05 đến 0,09mg/L, tỷ lệ âm tính giả là 61% (không có mùi rượu). 

Viện nghiên cứu South California (Mỹ) đề nghị 20 cảnh sát có kinh nghiệm kiểm tra 14 người có nồng độ cồn dao động từ 0 đến 0,13mg/L. Trong 4 giờ, cảnh sát sẽ đặt mũi vào đầu cuối của một ống dài 15cm. Ở đầu bên kia, các tình nguyện viên sẽ thổi hơi thở qua. Hai bên ngăn cách để cảnh sát không có manh mối nào khác về biểu hiện của người được kiểm tra (mặt đỏ, thái độ mất tỉnh táo…). 

Theo đó, cảnh sát phát hiện được 70% số trường hợp có nồng độ cồn dưới 0,08mg/L và 85% số trường hợp ở mức 0,08mg/L trở lên. Nếu người được kiểm tra ăn thực phẩm khác, độ chính xác giảm xuống. 

Kết quả trên chứng minh rằng ngay cả trong điều kiện phòng thí nghiệm tối ưu, khả năng phát hiện vi phạm nồng độ cồn qua hơi thở vẫn không đáng tin cậy. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ thấp hơn trong điều kiện thực tế ngoài đường. 

Thông thường, 1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn ứng với 200ml bia (5%), 1 ly rượu vang 75ml (13,5%), 1 chén rượu mạnh 25ml (40%). Một đơn vị cồn cần ít nhất 1 tiếng phân hủy hoàn toàn. 

Vấn đề phát sinh nghiêm trọng khi bạn uống nhiều hơn một lon bia. Khi một người uống 3-4 lon, nồng độ cồn trong máu của họ sẽ đạt 0,08mg/L và mất khoảng 5 giờ để giảm xuống 0. Nếu bạn uống trước khi đi ngủ, chỉ số trên có thể vẫn còn cao vào sáng hôm sau - một rắc rối thực sự nếu bạn phải lái xe.

Máy đo nồng độ cồn có thể phát hiện nồng độ cồn trong vòng 15 phút sau khi bạn uống rượu bia. Các yếu tố như thân nhiệt, trào ngược axit, thuốc... có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. 

Theo An Yên (VietNamNet)