Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn uống trong đó nhiều bệnh nhân là tín đồ của rau củ sống. Nhiễm ký sinh trùng là bệnh khá phổ biến ở châu Á và Việt Nam. Bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là sán não, sán lá gan.
Ví dụ, D.P.T (sinh năm 1993, quê Vĩnh Phúc) đến bệnh viện khám vì thường xuyên đầy bụng, chán ăn, mệt mỏi. Ở tuyến dưới, bác sĩ phát hiện trong gan có bất thường nên giới thiệu T. đến cơ sở y tế chuyên khoa khám. Kết quả, bác sĩ cho làm xét nghiệm và chụp ổ bụng phát hiện nhiễm sán lá gan lớn và cả giun chó mèo.
T. là "tín đồ" của nước ép rau củ, mỗi ngày đều uống một ly nước ép cà rốt, củ dền, hoặc các loại rau khác. Theo cô, nguồn rau này là rau sạch vì nhà trồng gửi lên hằng tuần. Tuy nhiên, dù giun, sán sống trong cơ thể động vật nhưng các loại thực vật cũng có thể chứa trứng của chúng.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết chị gặp rất nhiều người vào điều trị do sán và trong số đó đều ăn thức ăn sống, bao gồm cả rau củ. Có trường hợp, bệnh nhân không ăn rau thủy sinh tái sống nhưng vẫn nhiễm bệnh do mua rau để chung với nhau vô tình nhiễm sán.
Rau củ không độc hại, chúng chỉ độc hại khi được tưới bằng các nguồn nước không sạch, hoặc bón bằng phân động vật chứa trứng và sán. Do đó, rau củ nhà trồng vẫn chưa phải sạch hoàn toàn.
Đối với các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh trùng khác thấp hơn rau xanh. Các loại trứng giun sán trong rau củ quả thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Vì vậy, những người thường xuyên ăn rau sống, dùng rau củ làm nước ép, sinh tố đều có thể nhiễm ký sinh trùng.
Bác sĩ Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng cho biết thêm các loại rau tươi có thể nhiễm các loại ký sinh trùng nhất là vùng đất trồng rau bị ô nhiễm. Trong rau củ chứa các loại từ giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ.
Khi sử dụng rau sống, nước ép từ rau củ người dùng nên chọn được nguyên liệu an toàn, đảm bảo sạch. Sơ chế nguyên liệu kỹ càng, loại bỏ rau dập nát, củ quả héo. Khi rửa nguyên liệu, bạn nên rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần, không rửa trong chậu, cách rửa này vô tình làm rau không loại bỏ được cát, ký sinh trùng. Với một số loại củ như cà rốt, cà chua cũng nên rửa sạch và gọt vỏ.
Ngoài việc đảm bảo nguyên liệu rau củ an toàn, khi ép rau củ quả, dụng cụ cắt gọt, hộp đựng, máy ép, lẫn vệ sinh tay cần sạch sẽ tránh nhiễm bẩn. Người thường xuyên ăn rau sống, salad, nước ép rau củ quả tươi, việc tẩy giun 6 tháng/lần là điều cần thiết để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên lựa chọn thật kỹ các loại thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và vệ sinh sạch sẽ. Người tiêu dùng chỉ sử dụng rau ăn sống khi biết nguồn trồng đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm.
Theo Phương Anh (VietNamNet)