Báo Tiền Phong dẫn lời nữ bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô hốt hoảng khi phát hiện ở đồ lót của mình có vật thể lạ giống những đoạn dây trắng có hình xơ mít và vẫn chuyển động.
Lo lắng nên H theo dõi phân mỗi lần đi đại tiện thì thấy những vật thể lạ này vẫn đang ngọ nguậy trong phân. Thấy bệnh xuất hiện ở phần tế nhị, H. lên mạng tìm hiểu và nghi ngờ có thể những đoạn trắng nhỏ đó là đốt sán thoát ra từ hậu môn. H tìm tới khám tại BV Đặng Văn Ngữ. Qua xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán và cả trứng sán dây.
Bác sĩ chẩn đoán H.nhiễm sán dây bò và chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành và thu lại con sán dây dài 6m sau khi cho cô uống thuốc xổ. H cho biết cô không có thói quen ăn thịt sống nhưng H hay ăn phở bò tái và lẩu bò.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, T.M.T. (40 tuổi, Hải Phòng) đến khám do xuất hiện các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn kèm theo cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn. Nam bệnh nhân cho biết, anh có thói quen hay ăn thịt tái vì có cảm giác thịt ngọt, ngon và bổ dưỡng hơn. Không riêng thịt bò mà thịt lợn khi luộc, anh T thích ăn khi thịt còn giữ lại màu hồng bên trong.
Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán dây trưởng thành.
Trao đổi với VietNamNet, Phó giáo sư Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết có 2 loại sán dây thường gặp là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc phân.
Trường hợp của bệnh nhân H. là biểu hiện điển hình của nhiễm sán dây bò. Phó giáo sư Dũng cho biết, thông thường đốt sán dây bò khi ra ngoài môi trường vẫn có thể còn chuyển động nhưng đốt sán dây lợn thì không.
Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm 10-20%. Sán dây thường dài từ 2-4m, có khi tới 8-10m. Trong số những người đến khám bệnh, khoảng 20-30% bệnh nhân nhiễm sán lá gan, sán dây lợn, sán dây bò...
Nhìn bên ngoài, sán dây như một dải băng và có 3 phần: phần đầu là một hình cầu mang 4 giác hút và có bộ phận bám dính, đốt cổ thường thắt lại, phần thân gồm nhiều đốt tùy theo độ phát triển mà có thể chia thành đốt sán non, đốt sán trưởng thành và đốt già. Các đốt non sẽ mọc ra từ đốt cổ, còn các đốt già sẽ rụng dần. Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới.
Những con sán này sống nhiều năm trong cơ thể người và có thể tồn tại lên tới 25 năm. Chiều dài của sán dây bò trưởng thành lên tới 4-12m. Mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong.
Chu trình hình thành của sán dây bò như sau: đốt sán già chui khỏi hậu môn người, vỡ ra và giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán ra môi trường. Trâu, bò ăn phải trứng sán từ môi trường, trứng sán vào ruột nở ra ấu trùng và ấu trùng xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “bò gạo”.
Người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, dưới tác dụng của dịch vị, dịch ruột, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang sán và phát triển thành con trưởng thành, nhờ có 4 giác miệng trên đầu, sán bám vào niêm mạc ruột.
Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng từ ruột và phát triển. Chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Bệnh nhân thường chỉ có một con sán trong cơ thể, từ khi xâm nhập cần khoảng 3 tháng để phát triển thành con trưởng thành.
Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.
Phó giáo sư Dũng cho biết, bệnh sán dây bò rất dễ mắc phải, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do thói quen ăn uống và để lại cảm giác ghê sợ, nặng nề, phiền toái. Để phòng bệnh, người dân không ăn thịt bò, trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
PN (SHTT)