Năm 2020, ông Triệu Hưng (51 tuổi, Trung Quốc), buộc phải mất việc vì dịch bệnh. Bây giờ tình hình kinh tế xã hội dù đã được cải thiện đôi chút, nhưng ở độ tuổi U60 như hiện tại, ông đã không còn theo kịp nhịp độ của xã hội nữa. Cuối cùng, ông quyết định trở thành một bảo vệ, lương hàng tháng là 4.000 NDT.
Mới cách đây không lâu, nhóm bạn cũ thời trung học của ông Triệu liên hệ và rủ đi họp lớp. Sau bao nhiêu năm không gặp, ông cũng muốn biết tình hình đời sống của mọi người nên đồng ý.
Họ gặp nhau và trò chuyện rôm rả, sau đó có người hỏi về công việc của ông Triệu. Ông trả lời rất thành thật, không ngờ sau đó lại nhận được nhiều ánh mắt dò xét.
Trước đây, khi mới tốt nghiệp đại học, ông Triệu đã ký hợp đồng làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước. Tuy mức lương của công việc này không cao lắm, chỉ 8.000 NDT mỗi tháng nhưng phúc lợi rất tốt nhưng sẽ phải thường xuyên tới công trường giám sát. Sau nhiều năm làm việc ở đó, ông dần dần trở thành một quản lý với thu nhập tốt hơn, công việc lại ổn định. Vì thế, ông yên tâm dành nửa đời mình cho công việc ở đây.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tất cả các công trường đều tạm dừng thi công, toàn bộ nhân sự trong đơn vị chỉ được ở nhà làm việc. Nếu không có hiệu suất và tiền làm thêm giờ, ông Triệu chỉ có thể nhận được 2.000 NDT/tháng. Số tiền này không đủ để lo cho sinh hoạt tối thiểu của 2 vợ chồng đã gần tới tuổi trung niên. Sau nhiều suy nghĩ, ông đã có một quyết định táo bạo là nghỉ việc.
Tuy nhiên, ở độ tuổi này, ông khó có thể tìm kiếm một công việc mới với mức thu nhập tốt, vị trí tốt như trước đây. Cuối cùng, ông lựa chọn làm bảo vệ ở một công ty gần nhà với mức lương khá ổn, ở mức 4.000 NDT/tháng, mà công việc cũng tương đối rảnh rỗi. Mỗi ngày ông có rất nhiều thời gian rảnh cho gia đình và bản thân, thậm chí còn có thể sắp xếp một số công việc phụ để kiếm thêm thu nhập. Cứ như vậy, cuộc sống của vợ chồng ông ổn định trở lại, sinh hoạt thoải mái.
Vì thế, khi nhận lời mời họp lớp, địa chỉ tổ chức ở một khách sạn lớn tại trung tâm thành phố với mức giá khá đắt đỏ, ông Triệu vẫn có thể chấp nhận. Hôm đó, có hơn 40 người bạn cũ có mặt, ông dự đoán bữa ăn này ít nhất sẽ tiêu tốn hơn 10.000 NDT.
Không khí buổi tiệc ban đầu rất hòa thuận. Ông Triệu từng là học sinh giỏi trong lớp, được mọi người quý mến, nên rất vui vẻ tán gẫu. Ông còn bắt chuyện với người bạn cũ Mã Mạnh Kiệt mà trước kia không mấy thân thiết. Thuở còn học chung, ông từng cho cậu ta vay 300 NDT, nhưng phải đòi nhiều lần thì cậu ta mới chịu trả. Sau lần đó, cả hai bắt đầu tránh mặt nhau.
Bây giờ ông Triệu nhận ra, sau hàng chục năm làm việc chăm chỉ, mọi người đều đã thay đổi rất nhiều. Có người đã trở thành ông chủ, có người là quản lý trong các công ty lớn, có người là công chức hoặc giáo viên, v.v. Họ dường như đều có cuộc sống tốt đẹp.
Sau đó, mọi người cũng hỏi ông Triệu đang làm gì. Ông đáp: "Tôi mới xin nghỉ việc một thời gian trước, bây giờ chỉ làm bảo vệ thôi."
Mọi người lập tức ngạc nhiên: "Thật không vậy? Vì sao cậu lại làm bảo vệ được?"
"Thật không thể tin được. Hồi đó cậu và lớp trưởng có thành tích học tập tốt như vậy, tưởng là 2 người có triển vọng nhất trong lớp chúng ta cơ. Lớp trưởng bây giờ vẫn kiếm được 10.000 NDT/tháng đấy."
Họ liên tục cười đùa và đặt câu hỏi, khiến ông Triệu cảm thấy chói tai. Dù không biết họ cố ý hay vô tình, ông vẫn thấy có chút mỉa mai trong những lời này.
Vốn dĩ ông định nói bản thân còn nhiều nguồn thu nhập khác, nhưng sau đó lại thôi. Đã nhiều năm không gặp, có lẽ mối quan hệ bạn bè đã thay đổi rất nhiều. Ông chỉ im lặng ăn uống và nghe mọi người hỏi han xin thông tin liên lạc của nhau. Nhưng lạ là, không ai hỏi thông tin của ông cả.
Một lúc sau, Mã Mạnh Kiệt bất ngờ nhắc lại nghề nghiệp của ông Triệu và nói: "Không phải lớp trưởng đang là quản lý công ty lớn à? Hay cậu xin một suất ở công ty cậu ấy đi?"
Lúc này, ông Triệu cảm thấy tức giận vì bị coi thường. Ông bèn nói: "Làm công việc gì, lương bao nhiêu là chuyện của tôi, tôi cũng chẳng xin ăn xin mặc của ai cả. Tôi thấy vui khi mọi người đều sống tốt, còn nếu mọi người không thấy vui cho cuộc sống của tôi thì tôi xin phép."
Nói rồi, ông Triệu đứng dậy, gọi điện cho con trai tới đón mình về. Giờ cao điểm nên con trai của ông tới khá chậm, sau khi đợi khoảng 30 phút mới xuất hiện. Trùng hợp là, mọi người trong buổi họp lớp cũng vừa kết thúc và đang cùng nhau đi ra ngoài đợi xe.
Mã Mạnh Kiệt lại nói: "Ơ kìa, sao từ nãy đến giờ mà cậu vẫn chưa về được cơ à? Không có xe đúng không? Có cần tôi gọi xe cho không đấy?"
Lúc này, con trai ông Triệu mới đi tới. Khi thấy có người nói chuyện với bố, cậu thanh niên khoảng 30 tuổi bước xuống từ chiếc mui trần để qua chào hỏi. Mọi người mới biết rằng, con trai ông Triệu tự mở một công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh rất khá. Chiếc xe mà cậu lái có giá hơn 1 triệu NDT.
Từ lúc đó, Mã Mạnh Kiệt im bặt mà không nói gì nữa. Mọi người khác cũng ái ngại nhìn nhau một cách khó xử. Còn ông Triệu lên xe đi về mà cũng thấy không thoải mái gì trong lòng. Ông quyết định sau này sẽ không tham gia các buổi họp lớp như vậy nữa, mà chỉ đi với những người thực sự thân thiết mà thôi.
Theo Thùy Linh (Nguoiduatin.vn)