Những ngày qua, vùng Đông Bắc Bộ nước xa xuất hiện mưa nhiều, bên cạnh độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao. Theo dõi qua các ứng dụng dự báo thời tiết thông minh, độ ẩm không khí trung bình đạt trên 80%, có thời điểm trên 90%. Độ ẩm trong không khí cao dễ dẫn tới hiện tượng nồm, đi kèm với đó là tình trạng nhà "đổ mồ hôi".
Hiểu đơn giản, hiện tượng này là khi ngôi nhà, bao gồm sàn nhà, trần nhà, tường nhà hay các vật dụng trong nhà ẩm ướt, bị chảy nước trên bề mặt. "Nhà đổ mồ hôi" không chỉ gây bất tiện trong đời sống mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại các vật dụng, nhà, phòng có mùi hôi khó chịu hay ảnh hưởng tới cả sức khỏe của các thành viên gia đình bởi môi trường ẩm là môi trường lý tưởng đến các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi...
Chính bởi vậy, tốt hơn hết, các gia đình nên có phương án chuẩn bị trước cho những ngày thời tiết chuẩn bị trở nồm, nhằm hạn chế tối đa hiện tượng "nhà đổ mồ hôi". Chế độ làm khô của điều hòa, máy hút ẩm hay các vật dụng giúp hút ẩm không gian nhà như giấy báo... có thể được sử dụng và phát huy hiệu quả tốt. Song để ngôi nhà tránh khỏi nồm ẩm một cách tốt nhất, các chuyên gia khuyên rằng có nguyên tắc "3 KHÔNG" mà các gia đình nên lưu ý.
Nguyên tắc "3 KHÔNG" trong những ngày nồm ẩm
1. KHÔNG mở cửa nhà khi không cần thiết
Nhiều người nghĩ rằng vào những ngày nồm ẩm, việc mở cửa nhà như cửa sổ, cửa ra vào sẽ giúp không khí được lưu thông tốt hơn. Vì vậy hơi ẩm trong nhà sẽ được bốc hơi tốt hơn, không còn tồn đọng trong nhà nữa. Gió từ ngoài thổi vào sẽ khiến ngôi nhà trở nên khô ráo hơn. Tuy nhiên trên thực tế thì ngược lại.
Việc mở các cửa sẽ khiến không khí ẩm từ ngoài môi trường càng dễ dàng "xâm nhập" vào nhà, vào phòng hơn. Từ đó, không gian không những không trở nên khô ráo mà còn ẩm ướt hơn. Chính bởi vậy, khi cảm nhận không khí ngoài trời ở mức độ ẩm cao, tốt hơn hết người dùng nên hạn chế mở cửa trong nhà khi không cần thiết, áp dụng với cả các ô cửa sổ và cửa ra vào. Việc làm này sẽ giúp "bảo vệ" ngôi nhà khỏi hơi ẩm từ bên ngoài, hạn chế được tình trạng "toát mồ hôi".
2. KHÔNG lau nhà bằng bằng nước
Việc thứ 2 trong danh sách "3 KHÔNG" vào những ngày trời nồm ẩm, đó chính là lau nhà với nước. Khi nhà xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi, đặc biệt là ở khu vực sàn nhà, nó có thể gây trơn trượt khi con người di chuyển hay gây mất vệ sinh, bất tiện trong cuộc sống. Lúc này, nhiều người thường tiến hành lau nhà với nước để không gian được sạch sẽ hơn.
Song trên thực tế, việc lau nhà với nước không giúp giải quyết vấn đề mà thậm chí còn khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Độ ẩm của không khí kết hợp với nước được chính người dùng sử dụng để lau nhà sẽ khiến tình trạng đổ mồ hôi xuất hiện nhiều hơn.
Nếu muốn vệ sinh nhà vào những ngày nồm ẩm, người dùng chỉ nên dùng các loại khăn khô, có độ thấm nước tốt để lau sàn nhà hay lau các vật dụng trong gia đình, đặc biệt là các vật dụng làm từ gỗ hay đồ điện tử.
Như đã nói ở trên, bên cạnh việc dùng khăn khô lau, việc sử dụng chế độ làm khô "Dry" của điều hòa, máy hút ẩm hay các vật dụng có tính năng hút ẩm khác cũng giúp ngôi nhà hạn chế được đáng kể tình trạng đổ mồ hôi.
3. KHÔNG bật quạt
Cuối cùng trong danh sách "3 KHÔNG", cũng chính là sai lầm được xem là phổ biến nhất so với 2 sai lầm đã kể trên mà các gia đình thực hiện vào những ngày trời nồm ẩm, đó chính là bật quạt. Các gia đình kỳ vọng rằng, gió quạt sẽ giúp hơi nước bốc hơi nhanh hơn, giúp không gian trở nên khô ráo. Nhiều gia đình thậm chí còn kết hợp việc bật quả với lau nhà liên tục hoặc vừa bật quạt, vừa mở các cửa.
Các chuyên gia giải thích, khi bật quạt, hơi lạnh từ quạt thổi ra không những không làm hơi nước bay đi, bốc hơi mà còn khiến không khí ẩm ngưng kết mạnh hơn. Từ đó, nước đọng lại càng nhiều hơn, tình trạng "đổ mồ hôi" sẽ không được khắc phục mà trở nên tồi tệ hơn.
Những phương pháp giúp hạn chế nồm ẩm hiệu quả
Ở Mỹ, vào thời gian mùa hè, tức từ tháng 5 đến tháng 8, cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nồm ẩm. Chính vì vậy, Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đã đưa ra một số lời khuyên, giúp người dân khắc phục được phần nào tình trạng này.
1. Bật quạt thông gió nhà tắm hoặc máy hút mùi của nhà bếp để hút một phần hơi ẩm ra bên ngoài.
2. Phủ lên sàn nhà những tấm nhựa, thảm hay những tờ giấy báo, giúp thấm hút phần nào độ ẩm. Tuy nhiên với thảm, sẽ phải giặt thường xuyên, còn giấy báo thì phải thay liên tục.
3. Sơn nhà bằng các vật liệu chống thấm, cách nhiệt tốt như cách nhiệt bằng sợi thủy tinh; phun bọt cách nhiệt hay dùng lớp cách nhiệt bằng cellulose. Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa lượng không khí mang theo độ ẩm vào nhà bạn.
4. Hạn chế để các vật dụng, đặc biệt là đồ điện tử và đồ bằng gỗ sát tường, bởi nó có thể gây hỏng hóc cho thiết bị.
5. Tắt các thiết bị hoặc loại máy tạo ẩm trong nhà nếu có
6. Bày trong nhà một số loại cây có tác dụng hấp thụ hơi ẩm như dương xỉ
Theo Thu Phương (Nguoiduatin.vn)