Theo TS. BS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dịp Tết nhiều người đốt nhang và vàng mã khí thế. Trong khi đó, nhang truyền thống thường làm thủ công từ vỏ cây, vỏ quả, thảo mộc ít hóa chất, nguồn gốc tự nhiên nhiều nên gần như không có hoặc rất ít gia tăng nguy cơ ung thư phổi.
Nhang hiện đại thường làm từ máy móc, nhiều hóa chất, chất tạo màu đỏ chót, chất tạo mùi, vòng thơm benzene nên gia tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh tật trong đó có ung thư phổi loại biểu mô vảy (Squamous cell carcinoma). Nhang càng thơm, tẩm ướp nhiều hóa chất thì lại càng nguy hiểm.
Khói nhang nhiều không tốt cho người có bệnh lý nền hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen. Quá tải lượng khói nhang làm cay mắt, chảy nước mắt rất khó chịu.
Chen chúc nhau đốt nhang cả bó, loại to đùng dễ hỏa hoạn và nhiều khi làm cháy xén hoặc lủng lỗ quần áo người xung quanh do sơ ý.
Đốt nhang là một văn hóa tốt đẹp ở Á Đông nên duy trì và có thể cân nhắc 6 điều sau:
-Dùng nhang có nguồn gốc tự nhiên có mùi hương dịu nhẹ dễ chịu, ít hại sức khỏe.
- Dùng nhang ngắn đừng dùng loại có nhuộm màu vàng đỏ, nhũ kim tuyến, và tránh loại có mùi hương ngào ngạt.
- Đốt mỗi ban thờ một cây là được đừng phải là 3 cây 1 ban thờ hay chục cây hay cả bó mới chịu.
- Đừng đốt loại nhang siêu to, siêu dài, siêu khổng lồ.
- Đừng cắm nhang trực tiếp vào đồ ăn làm phần màu nhuộm chân nhang lan đỏ hồng ra đồ ăn, đừng cắm dọc nhang lên mâm ăn làm tàn nhang rơi vào đồ ăn.
- Người già, trẻ em, người đang mang thai và người bị bệnh nền nhiều gồm cả bệnh Ung thư thì hạn chế tiếp xúc nhiều với khói nhang.
Theo Tiến Đạt (Nld.com.vn)