Báo Giao thông đưa tin, một thanh niên có tên Xiaojia, sinh năm 2000, ở Hàng Châu, Trung Quốc gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn tiến triển ở tuổi 23.
Khoảng 3 tháng trước, Xiaojia đột nhiên cảm thấy đau nhức ở vùng mông kèm triệu chứng đi ngoài ra phân có máu nên cậu đã vội vàng đến bệnh viện để nội soi. Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu, Trung Quốc tiến hành các xét nghiệm kiểm tra và chẩn đoán Xiaojia mắc ung thư biểu mô tuyến đại tràng di căn gan. Khối u đã bước vào giai đoạn tiến triển.
Do khối u trực tràng của Xiaojia có kích thước lớn khoảng 5cm, nằm sát hậu môn và xâm lấn ra bên ngoài trực tràng kèm theo di căn nên đã gây khó khăn cho việc phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u.
Các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp điều trị đã thực hiện nhiều phương pháp điều trị khác nhau để thu nhỏ kích thước khối u ở trực tràng. Sau một thời gian điều trị, khối u của Xiaojia đã được thu nhỏ, khối u di căn tới gan cũng thu nhỏ kích thước còn 1,8x0,8cm. Kích thước của khối u lúc này đã đáp ứng yêu cầu phẫu thuật.
Bác sĩ điều trị Zheng Song tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu ngay lập tức liên hệ với khoa phẫu thuật đường tiêu hóa, phẫu thuật gan mật và tuyến tụy để tiến hành hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cho Xiaojia.
Qua quá trình khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết Xiaojia không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, Xiaojia lại có thói quen ăn uống không lành mạnh.
Xiaojia cho biết sau khi đến làm việc ở Hàng Châu, sống xa gia đình và không có sự quản lý của cha mẹ, Xiaojia thường xuyên nhịn ăn sáng, thường xuyên hẹn bạn bè ra ngoài hàng ăn lẩu và ăn nhiều các thực phẩm kém lành mạnh như thực phẩm chế biến sẵn, gà rán, các loại nước ngọt có ga. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến Xiaojia mắc ung thư đại tràng.
Mối liên hệ giữa thói quen ăn uống thiếu lành mạnh và ung thư đại trực tràng
Ung thư ruột hay ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hóa. Nhiều người trẻ tuổi khi bị chẩn đoán bệnh thường hỏi ngược lại bác sĩ: "Tại sao tôi lại bị ung thư?"
Báo Dân sinh đưa tin, bác sĩ Dương, giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật Tiêu hóa ở Ninh Ba cho biết, bệnh ung thư này có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống.
Chế độ ăn "2 cao một thấp" nghĩa là nhiều chất béo, protein cao nhưng chất xơ thấp chính là yếu tố gây ra bệnh ung thư đường ruột.
Ngoài ra, hiện nay rất nhiều người lười tập thể dục dẫn đến việc sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Tập thể dục ít sẽ khiến nhu động ruột chậm hơn và tăng nguy cơ ung thư. .
Thường xuyên thức khuya, ăn uống thiếu tính khoa học, uống nhiều rượu… cũng sẽ gián tiếp gây ra bệnh ung thư đường ruột. Những thói quen này thường được tìm thấy ở những người trẻ tuổi, dẫn đến một xu hướng trẻ hơn trong những bệnh này.
4 phương pháp tự kiểm tra ung thư đại trực tràng
Theo bác sĩ Dương, nếu nhận thấy mình có 4 dấu hiệu đặc biệt này thì bạn cần phải đi khám ung thư đại trực tràng càng sớm càng tốt:
- Lẫn máu trong phân: Máu trong phân có màu đỏ sẫm, chất nhầy chảy ra hoặc lẫn mủ và máu bốc mùi
- Phân biến dạng, nhỏ lại, gây khó khăn khi đi đại tiện
- Thay đổi trong đại tiện, như táo bón hoặc tiêu chảy;
- Các triệu chứng kèm theo: Thiếu máu, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược…
Để phòng chống bệnh ung thư đường ruột, bác sĩ khuyên nên lưu ý điều sau trong ăn uống:
- Giảm lượng chất béo (bao gồm cả dầu động vật và dầu thực vật).
- Tăng lượng rau xanh và trái cây.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa tinh bột và chất xơ.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Lượng muối hàng ngày dưới 5 gram.
- Ăn nhiều thực phẩm tươi, ăn ít thức ăn mặn và không ăn thức ăn bị mốc.
- Uống ít rượu.
Cuối cùng, bác sĩ nhắc nhở người trên 35 tuổi hãy đi sàng lọc ung thư để trong tình huống xấu có thể sớm phát hiện và điều trị bệnh.
PN (SHTT)