Vì sao Chủ tịch Hà Nội ký xử phạt nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở phố Trần Cung?

13/03/2024 08:05:40

Liên quan đến việc nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn "kịch khung" ở phố Trần Cung, nhiều ý kiến thắc mắc, vì sao thẩm quyền ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính vụ việc này là Chủ tịch UBND TP Hà Nội?

Theo Công an thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lương Hồng T. (SN 1988, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội; nghề nghiệp: lao động tự do) về hành vi điều khiển ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn. 

Cụ thể, bà Lương Hồng T. phải chịu hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền với tổng số tiền phạt là 35 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hạng B1, thời hạn 23 tháng, kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.

Vì sao Chủ tịch Hà Nội ký xử phạt nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở phố Trần Cung?
Bà Lương Hồng T. làm việc tại cơ quan công an

Cũng liên quan đến quyết định xử phạt này, bạn đọc Văn Khoa Nguyễn thắc mắc, vi phạm về giao thông thì chỉ cần lực lượng CSGT xử phạt, sao cần tới lãnh đạo thành phố.

Bạn đọc Nguyễn Bình cũng băn khoăn: "Tôi chưa hiểu vì sao Chủ tịch UBND TP ký quyết định xử phạt trường hợp này".

Còn độc giả Chu Thanh Huyền đặt câu hỏi, vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh (thành phố) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

Giải đáp nội dung này, một chuyên gia pháp lý thông tin: Khoản 3 Điều 75 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Như vậy, theo như quy định nêu trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp bị phạt tiền đến 75 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 20 - 37,5 triệu đồng. Còn Chủ tịch UBND cấp xã  được phạt tiền đến 4 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

Vì sao Chủ tịch Hà Nội ký xử phạt nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở phố Trần Cung? - 1
Chủ tịch UBND cấp tỉnh được ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp bị phạt tiền đến 75 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân.

Tại Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 trăm nghìn đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30 triệu đồng;

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 37,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính...

Cục trưởng Cục CSGT, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát PCCC&CNCH, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Theo Đình Hiếu (VietNamNet)