Theo cuốn "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành, Tết Đoan ngọ, còn được gọi là Tết Đoan dương, mang ý nghĩa sâu sắc. "Đoan" biểu thị sự khởi đầu, "ngọ" là thời điểm giữa trưa, và "dương" đại diện cho mặt trời và khí dương. Thời điểm này, đặc biệt vào giữa trưa ngày Đoan ngọ, khí dương đạt mức cao nhất.
Người Việt còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, với mong ước có một mùa màng bội thu, không bị sâu bọ phá hoại. Đồng thời, đây cũng là dịp để gia đình đoàn viên, con cháu dù ở xa cũng cố gắng về thăm nhà. Mặc dù Tết Đoan Ngọ chỉ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch, nhưng theo quan niệm cổ truyền, trong ngày này, các gia đình cần kiêng cữ một số điều để tránh rủi ro.
Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 10/6 dương lịch (hôm nay). Nhiều gia đình đã chuẩn bị lễ cúng từ sớm để dâng lên tổ tiên, tạo không khí ấm cúng và sum họp cùng người thân.
Bên cạnh đó, câu nói "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nhắc nhở về tầm quan trọng của việc tuân theo các tập tục, kiêng kỵ để mang lại may mắn và tránh điều xui xẻo. Từ lâu, người xưa đã truyền dạy những điều nên làm và không nên làm trong ngày này để bảo vệ sự bình an và may mắn cho gia đình. Độc giả có thể tham khảo để biết thêm về quan niệm, cách nhìn của dân gian.
Hạn chế đi du lịch
Theo quan niệm dân gian, đi du lịch hay đi chơi xa vào ngày 5/5 âm lịch có thể dẫn đến hao tổn tiền bạc. Đặc biệt, không nên tham quan những nơi như địa đạo, lăng tẩm hay các khu di tích cổ vì những nơi này chứa nhiều âm khí. Nếu bắt buộc phải đi, nên hoàn thành trước 15h để tránh xui xẻo.
Giữ giày dép ngăn nắp
Trong tiếng Hán, "giày" đồng âm với từ "tà", biểu thị tà khí. Theo quan niệm dân gian, việc để giày dép lộn xộn có thể thu hút tà khí. Do đó, sau khi ra ngoài về, mọi người nên sắp xếp giày dép gọn gàng để đảm bảo thẩm mỹ và tuân theo phong thủy.
Tránh làm rơi hay mất tiền
Làm rơi tiền vào ngày 5/5 âm lịch được cho là điềm xui, khiến tài vận suy giảm. Vì vậy, trong ngày này, mọi người nên chú ý bảo vệ tài sản của mình cẩn thận, tránh để thất lạc hay mất mát.
Tránh dừng chân nơi âm u
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân nên tránh dừng chân ở những nơi âm u, nhiều tà khí như bệnh viện, nghĩa trang... vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những địa điểm này chứa nhiều mầm bệnh và vì Tết Đoan Ngọ thường rơi vào khoảng thời gian Hạ chí, khi thời tiết nóng nhất trong năm, vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh mẽ.
Không chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khách sạn, nhà nghỉ
Nếu có việc phải nghỉ lại bên ngoài vào ngày 5/5 âm lịch, mọi người nên tránh chọn phòng đầu tiên hay cuối cùng ở hành lang khách sạn, nhà nghỉ. Theo phong thủy, các vị trí này dễ hút năng lượng tiêu cực, gây hại cho dương khí. Ngoài ra, không nên ở trong phòng có nhiều đồ vật tâm linh như tranh, tượng Phật, thánh... vì những vật phẩm này thường dùng để trấn áp tà khí, chứng tỏ căn phòng hoặc mảnh đất đó có vấn đề.
Những điều cần lưu ý khi cúng Tết Đoan Ngọ
Theo sách "Văn khấn toàn tập", nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ nên được thực hiện vào chính Ngọ (12 giờ trưa ngày 5/5 âm lịch). Nếu không thể cúng đúng giờ này, người dân có thể thắp hương và làm lễ vào buổi sáng, nhưng không nên kéo dài quá giờ Ngọ.
Trong quá trình làm lễ, gia chủ cần ăn mặc gọn gàng, trang trọng và có thể xem lịch để chọn giờ tốt dâng hương, đọc văn khấn. Thực phẩm cúng lễ phải sạch sẽ, tươi ngon, ưu tiên các đặc sản địa phương hoặc những thực phẩm có sẵn trong gia đình. Không nên ăn trước khi cúng mà phải đợi sau khi cúng xong, cả gia đình mới cùng sum họp bên mâm cỗ.
Nhiều gia đình có phong tục tắm nước lá để thanh tẩy cơ thể, ăn cơm rượu, vải, mận để "diệt sâu bọ".
Cúng Tết Đoan Ngọ trong nhà hay ngoài trời?
Trước đây, nhiều nơi ở Việt Nam cúng Tết Đoan Ngọ cả trong nhà và ngoài sân. Cúng ngoài trời mang ý nghĩa cảm tạ trời đất, thần phật đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình bình an, may mắn. Trong khi đó, cúng trong nhà nhằm cảm ơn tổ tiên đã che chở cho con cháu khỏe mạnh và tốt lành.
Ngày nay, do điều kiện không cho phép, hầu hết các gia đình chỉ làm một mâm lễ cúng trong nhà. Điều này không làm giảm ý nghĩa của nghi lễ, vì điều quan trọng nhất là lòng thành tâm và sự hướng thiện của gia đình, con cháu.
*Lưu ý: Các thông tin trên được truyền miệng trong dân gian, mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Theo Thùy Linh (Nguoiduatin.vn)