“Bạn thuộc team ‘ăn liền cho nóng’ hay để dành rồi mới ăn?”
Đây là câu hỏi mà Đại học Pennsylvania (Mỹ) sử dụng để khảo sát thói quen ăn uống nơi công cộng. Kết quả chỉ có 5% số người trả lời chọn thưởng thức miếng ngon nhất đầu tiên, và có tới 35% muốn giữ nó đến cuối mới nhâm nhi.
Hội “để dành” đông đảo như vậy bởi ta đặc biệt ưu ái những khoảnh khắc cuối cùng của một trải nghiệm. Trong tiếng Anh, hiện tượng này đã được đúc kết thành câu “save the best for last”.
Bên cạnh việc ăn uống, tâm lý này còn xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Chẳng hạn các buổi bắn pháo hoa luôn để dành khoảnh khắc bùng nổ nhất đến cuối màn. Trong thể thao, thường phải đến cuối một trận đấu, các vận động viên mới phô bày kỹ năng lợi hại nhất của họ. Vậy có gì ở những phút cuối mà ta đành lòng chấp nhận “khổ trước sướng sau”?
Theo kết quả nghiên cứu của các các chuyên gia tâm lý, một số người có thói quen để dành miếng cuối cùng có thể vì nhiều lý do dưới đây:
- Tận hưởng cảm giác chờ đợi
Đối với những người thích để dành miếng ngon nhất cuối cùng, họ sẽ có cảm giác hứng thú, kích thích, háo hức khi nghĩ mình đã bỏ công chờ đợi. Họ muốn tận hưởng cảm giác ngon miệng nhất của bữa ăn, khiến mình không thể nào quên.
- Muốn có một trải nghiệm ăn uống ngon nhất
Đối với những người này, họ luôn muốn dành miếng ngon cuối cùng vì sẽ mang lại cho bản thân một trải nghiệm ăn uống xứng đáng nhất, hương vị ngon nhất sẽ lưu lại trong tâm trí khi bữa ăn đã kết thúc. Họ không muốn tận hưởng sớm miếng ngon rồi thời gian còn lại chỉ là việc lấp đầy cái bụng cho khỏi bị đói.
- Người có tính hiếu thắng
Đôi khi, để dành miếng ngon nhất vào cuối cùng cũng có thể phản ánh tính cách hiếu thắng của một người. Họ có thể muốn thể hiện sự kiên nhẫn, khéo léo trong việc chờ đợi và kiềm chế mình trước khi tận hưởng miếng ngon nhất.
- Chia sẻ và quan tâm đến người khác
Một số người có thể để dành miếng ngon nhất để chia sẻ hoặc tặng cho người khác. Họ muốn người mình yêu quý cũng có thể thưởng thức được món ăn ngon nhất này.
Tuy nhiên, đây chỉ là một số lý giải phổ biến cho việc thích để dành miếng ngon nhất vào cuối bữa ăn, ngoài ra còn tùy thuộc vào cá nhân và quan điểm của mỗi người.
Biên Thùy (SHTT)