Để giấc ngủ trưa hiệu quả, điều quan trọng là phải hiểu những ảnh hưởng của giấc ngủ trưa có thể có đối với giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của bạn. Bằng cách đó, bạn có thể chắc chắn rằng mình đang được hưởng lợi từ giấc ngủ, chứ không phải khiến bản thân thêm mệt mỏi.
Lợi ích của việc ngủ trưa
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ thường xuyên ngủ trưa. Động lực chính khiến nhiều người ngủ trưa là để cảm thấy bớt mệt mỏi hoặc lấy lại năng lượng và phục hồi sức khỏe cho một ngày làm việc.
Ngoài việc giúp bạn cảm thấy sảng khoái và phục hồi sức khỏe, ngủ trưa còn có nhiều lợi ích, bao gồm: hạ huyết áp, tăng tính tích cực và khả năng chịu đựng thất vọng, cải thiện trí nhớ và khả năng học tập.
Ngủ trưa và chu kỳ ngủ
Mặc dù giấc ngủ ngắn có nhiều lợi ích, nhưng đôi khi bạn lại để cho chúng kéo dài quá lâu. Điều này có thể góp phần gây ra những vấn đề về giấc ngủ và gián đoạn giấc ngủ.
Chuyên gia Abhinav Singh, Giám đốc y tế của Trung tâm Giấc ngủ Indiana cho biết, một giấc ngủ ngắn kéo dài hơn 45 phút, có thể phá vỡ chu kỳ ngủ tự nhiên và khiến bạn khó ngủ hơn vào ban đêm. Vì thế, để giấc ngủ ngắn mang lại tác động tích cực, bạn chỉ nên ngủ trưa khoảng 20-25 phút trong hầu hết các trường hợp.
Phân loại giấc ngủ trưa
Thời gian ngủ trưa đóng một vai trò quan trọng trong việc bạn cảm thấy thế nào khi thức dậy. Có những giấc ngủ ngắn mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái, nhưng cũng có những giấc ngủ ngắn khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hơn hoặc khó chịu hơn.
Giấc ngủ ngắn, hay còn được gọi là “giấc ngủ ngắn năng lượng”, khoảng 20- 25 phút, là lý tưởng để cơ thể cảm thấy được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Một giấc ngủ như thế sẽ giúp cải thiện khả năng nhận thức, học tập qua tri giác, khả năng ghi nhớ, lưu trữ thông tin hay nâng cao thành tích thể thao.
Trong khi đó, cảm giác nặng nề, chệnh choạng có thể là do bạn đã “nuông chiều” bản thân khi để giấc ngủ trưa kéo dài quá lâu. Tình trạng này xảy ra do quán tính của giấc ngủ, một trạng thái chuyển tiếp giữa ngủ và thức. Quán tính của giấc ngủ có thể kéo dài hàng giờ sau giấc ngủ trưa quá dài của bạn. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải duy trì giấc ngủ nhẹ và đặt báo thức.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2014 về mối quan hệ giữa giấc ngủ vào ban đêm và giấc ngủ ngắn ở sinh viên đại học cho thấy những người có thói quen ngủ trưa thường xuyên, lâu và muộn có nguy cơ cao giấc ngủ bị kém chất lượng vào ban đêm và thiếu ngủ trầm trọng hơn. Vì thế, nếu cảm thấy buồn ngủ hơn sau một giấc ngủ ngắn, rất có thể bạn đã ngủ quá lâu.
Ngủ trưa và trầm cảm
Trầm cảm có mối liên hệ với giấc ngủ. Nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, thì bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm và nếu bạn bị trầm cảm, bạn có nhiều khả năng mắc các vấn đề về giấc ngủ hơn.
Vì thế, những người bị trầm cảm và các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần khác nên tuân thủ một thói quen ngủ nghiêm ngặt. Những người bị trầm cảm bắt buộc phải có được giấc ngủ ngon và hợp lý. Cố gắng ngủ trong ngày có thể “lợi bất cập hại”. Còn nếu bạn lo lắng về việc ngủ trưa có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mình hay không, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ.
Theo Châu Nhi (VOV.vn)