Tại sao hiến máu miễn phí, người cần truyền lại phải trả tiền?

02/12/2023 15:47:33

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao mọi người hiến máu tình nguyện, không lấy tiền nhưng người bệnh lại phải trả tiền khi sử dụng máu?

Theo quy định của Bộ Y tế, các chế phẩm máu hiện nay điều chế từ máu toàn phần, khối hồng cầu từ máu toàn phần, huyết tương tươi đông lạnh, huyết tương giàu tiểu cầu, khối tiểu cầu, tủa lạnh, khối bạch cầu, tủa lạnh...

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao mọi người hiến máu tình nguyện, không lấy tiền, nhưng người bệnh lại phải trả tiền khi sử dụng máu và các chế phẩm từ máu?

Tại sao hiến máu miễn phí, người cần truyền lại phải trả tiền?
Nhiều người dân tham gia hiến máu tình nguyện, hiến máu nhắc lại. Ảnh: Võ Thu 

Trao đổi với VietNamNet sáng 2/12, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho hay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, hoạt động hiến máu để bền vững và an toàn phải dựa trên lực lượng hiến máu tình nguyện, nhắc lại và thường xuyên. 

"Hiến máu tình nguyện ở đây là tinh thần thiện nguyện, còn máu đạt chuẩn đến tay người bệnh đòi hỏi nhiều chi phí từ khâu tổ chức, vận động, vật tư tiêu hao, xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo an toàn, điều chế, tách chiết các thành phần máu, bảo quản lưu trữ và cung cấp máu", ông Quế nói tại Ngày hội hiến máu "Trái tim tình nguyện" lần thứ XV - năm 2023. 

Vật tư y tế tiêu hao trong hiến máu thường có bông băng, gòn, gạc, dung dịch sát khuẩn, vật tư y tế cho việc lấy máu; túi nhựa dẻo có chất chống đông để chứa máu... Thực tế, nhiều bệnh viện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (như Cần Thơ, Cà Mau...) thiếu máu phục vụ điều trị do bệnh viện không còn túi lấy máu, cạn hóa chất vật tư dùng cho xét nghiệm máu (nguyên nhân do chậm đấu thầu thuốc và hóa chất vật tư tiêu hao).

Tại sao hiến máu miễn phí, người cần truyền lại phải trả tiền? - 1
Tiến sĩ Quế tặng quà lưu niệm cho người tham gia hiến máu sáng 2/12. Ảnh: Gia Thắng

Theo ông Quế, trừ một số quốc gia miễn phí cho dịch vụ y tế, với các nước khác, dù người dân hiến máu tình nguyện, miễn phí nhưng người bệnh khi sử dụng máu điều trị thì phải chi trả.

Theo quy định, người hiến máu tình nguyện có giấy chứng nhận nếu phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập sẽ được bồi hoàn miễn phí lượng máu bằng số lượng máu đã hiến. Nhiều người băn khoăn liệu người nhà như cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em ruột có được quyền "hưởng thay suất" máu của người thân đã hiến? Tiến sĩ Quế cho hay đối tượng này vẫn phải chi trả như các bệnh nhân khác "bởi không có nguồn kinh phí và lượng máu nào đáp ứng được". 

“Chúng tôi đang đề xuất xây dựng quỹ để hỗ trợ máu miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, khó khăn, những người không đủ khả năng chi trả chi phí cho nhu cầu máu điều trị”, ông Quế nói với VietNamNet.

Ngày hội hiến máu “Trái tim tình nguyện” hưởng ứng Ngày Quốc tế tình nguyện 5/12 được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức, đặt mục tiêu tiếp nhận khoảng 3.000 đơn vị máu, góp phần cùng chuẩn bị lượng máu dự trữ cho dịp cuối năm và Tết dương lịch.

Ông Quế cho biết trong 3 tháng tới (từ tháng 12/2023 tới tháng 2/2024), bệnh viện này cần khoảng 110.000 đơn vị máu và 12.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của 182 cơ sở y tế tại 31 tỉnh/thành phố. 

Theo Võ Thu (VietNamNet)