Bệnh dại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, khi lây nhiễm ở cả trên người và động vật đều khiến cá thể bị bệnh đứng trước nguy cơ tử vong rất cao. Nhất là đối với chó, thường chỉ sau thời gian ngắn phát bệnh sẽ cắn người, có biểu hiện lờ đờ, sùi bọt mép rồi chết. Vậy tại sao chó dại sau khi cắn người lại chết? Liệu đây có phải là hành động làm rút ngắn sự sống của chó hay không?
Theo các nghiên cứu khoa học, không phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó. Thông thường chó mắc vi rút dại sẽ có thời gian ủ bệnh (tức là có vi rút dại trong cơ thể nhưng không có biểu hiện bệnh) trong thời gian từ 3 đến 15 ngày, sau thời gian này con chó sẽ phát bệnh. Lúc này, chó sẽ điên cuồng, hoảng loạn và cắn người. Nói cách khác, nó sẽ lên cơn và chết.
Do đó, việc chó dại chết sau khi cắn người không phải là hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên mà hoàn toàn có thể giải thích theo khoa học. Trong trường hợp bạn gặp tình huống này thì cần thực hiện các bước sơ cứu khi bị chó dại cắn và tiêm phòng dại ngay sau đó để tránh những tình huống xấu xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết chó bị dại để phòng tránh
Trên thực tế, khi chó bị dại thường xuất hiện dưới dạng 2 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm.
Thể dại điên cuồng
Ở thể dại này, chó sẽ có 2 giai đoạn với các biểu hiện khác nhau:
Thời kỳ điên cuồng: Chó dại rất dễ bị kích động, cắn sủa dữ dội, thường bỏ ăn, khó nuốt, thân nhiệt tăng cao, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử. Chó chảy nhiều nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt. Chó cắn vu vơ hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ, gặp vật gì lạ cũng gặm cắn, ăn bừa bãi, tấn công chó khác và cả người.
Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt, nhất là ở hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, không nuốt được thức ăn, nước uống. Chân sau liệt ngày càng rõ. Kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, chó thường chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau đó.
Thể dại câm
Ở thể dại câm, chó không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như ở trên mà phần lớn chỉ ủ rũ, nằm một chỗ. Chó có thể bị bại liệt một phần cơ thể, thậm chí là nửa người hoặc 2 chân sau nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra ngoài. Nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng, bỏ ăn, mệt mỏi và bị chết không lâu sau đó.
Cần làm gì khi bị chó dại cắn?
Sau khi bị chó dại cắn, việc sơ cứu nhanh chóng và đúng kỹ thuật là rất quan trọng. Có thể tham khảo một số thao tác cần làm khi bị chó dại cắn như sau:
Kiểm tra vùng bị cắn
Đánh giá mức độ tổn thương của vết cắn. Nếu vết thương nặng hoặc chảy máu nhiều, có thể dùng băng hoặc gạc sạch đặt, ép lên vết thương để cầm máu..
Làm sạch vết thương
Rửa sạch vết thương bằng nước lạnh và xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục khoảng 15 phút để loại bỏ mầm bệnh. Sử dụng bông và nước sạch để rửa nhẹ nhàng vết thương, tránh chà xát mạnh. Loại bỏ các dị vật như da chết, đất, lông có thể có trên vết thương.
Sử dụng thuốc sát trùng
Sử dụng thuốc sát trùng như cồn để làm sạch vết cắn và sát khuẩn. Thoa một lượng nhỏ thuốc sát trùng lên vết thương và thổi nhẹ để tránh gây đau nhức.
Chăm sóc vết thương và tiêm phòng
Tránh tiếp xúc với nước, đất cát và môi trường ô nhiễm để tránh các nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng trực khuẩn uốn ván.
Sau đó, nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, kiểm tra và tiêm phòng sau phơi nhiễm.
PN (SHTT)