Ngày 29/3, VnExpress dẫn lời ông Tiêu Viết Trinh, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông cho biết, nữ bệnh nhân người Xơ Đăng ở thôn Đăk Neang đang nguy kịch, sau khi từ bệnh viện trở về nhà.
Ba ngày trước đó, người phụ nữ vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị bệnh sỏi thận. Tại đây, người bệnh có những triệu chứng như sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động, lên cơn hoảng loạn...
Theo gia đình, người bệnh từng bị chó cắn vào cuối năm 2022 và chưa chích ngừa vaccine dại. Bệnh viện đã hội chẩn toàn viện và chẩn đoán theo dõi bệnh dại đối với bệnh nhân này.
Sau khi được các bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh bệnh nhân, gia đình xin đưa người thân về nhà hôm 26/3.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết trường hợp người bệnh tử vong vì dại sau một năm bị chó mèo cắn không phải chuyện hiếm.
Theo đó, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Từ các vết cào, cắn của chó mèo bị dại, virus vào da và đi từ từ đến não. Trường hợp ngắn nhất có thể phát bệnh sau 10 ngày, dài nhất có thể lên đến hơn 10 năm.
Bác sĩ Khanh phân tích nếu người bị chó dại cắn ở vùng đầu hoặc ở đầu dây thần kinh (đầu các ngọn chi), virus sẽ phát tán và tấn công lên não nhanh hơn.
Ngược lại, một số người bị chó mèo cắn, cào hoặc liếm lên vết thương hở, vết xước nhẹ, ở xa đầu mút thần kinh, có thể chủ quan và không tiêm phòng. Thực tế, virus dại đã xâm nhập và vẫn đi từ từ lên não. Vài năm sau, người này đột ngột có triệu chứng bệnh dại và tử vong. Người nhà có thể cũng không biết chính xác thời điểm bệnh nhân bị chó mèo cắn.
“Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí vết cắn, mức độ rộng hay hẹp, nông hay sâu số lượng virus... Người bị chó mèo cắn phải nhớ theo dõi xem con vật có ốm hay chết sau đó hay không. Việc tiêm phòng ngừa rất quan trọng. Nếu để phát bệnh dại, gần như 100% sẽ tử vong”, ông nói.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng ghi nhận hàng trăm lượt người đến tiêm vắc xin phòng dại vì bị động vật tấn công. Trong đó, có 55 người bị mèo cào, 496 người bị chó cắn.
Theo Bộ Y tế, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong ở người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại.
Sơ cứu khi bị chó mèo cắn hoặc cào
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96-97%, sau đó là mèo (3-4%), động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.
Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm, phải rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín.
Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
PN (SHTT)