Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều, Trung tâm vừa điều trị cho một bệnh nhân vào cấp cứu do sốc phản vệ vì kiến đốt.
Trước đó, ngày 6/9/2023, nhân viên Trạm Y tế xã An Sinh- Thị xã Đông Triều đã trực tiếp cấp cứu tại nhà cho bệnh nhân Trần Duy P, 49 tuổi, địa chỉ xã An Sinh, thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi cấu véo đáp ứng rất yếu, gọi hỏi không đáp ứng, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp 50/30 mmHg, da và đầu chi lạnh.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc, Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán phản vệ độ 3, bệnh nhân được xử trí tiêm và truyền Adrenaline, bồi phụ dịch, kiểm soát hô hấp, tiêm corticoid và kháng histamine.
Sau điều trị tích cực đến đêm ngày 6/9 bệnh nhân đã tỉnh hơn, mạch huyết áp ổn định. Sáng ngày 7/9/2023 bệnh nhân đã tỉnh và hồi phục hoàn toàn.
Theo bệnh nhân kể lại, khi đang đi làm ở lán gỗ bệnh nhân bị kiến cắn vào vùng trán, sau đó bệnh nhân xuất hiện nóng rát toàn thân, kèm mệt mỏi, bệnh nhân vào nằm trong lán và không biết gì nữa.
Ghi nhận trên VietNamNet, các bác sĩ cho biết đây là ca bệnh hi hữu. Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên (như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm,…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Phản vệ có thể phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
PN (SHTT)