Nhắc tới những thiết bị gia dụng quen thuộc trong các gia đìngh hiện đại, không thể bỏ qua cái tên máy giặt. Quen thuộc là vậy tuy nhiên trong quá trình sử dụng, cũng có những trường hợp thiết bị này gặp sự cố, gây rắc rối, thậm chí là nguy hiểm cho người dùng.
Vụ việc mới đây xảy ra tại một căn hộ chung cư tầng 16, thuộc tòa CT12B Kim Văn Kim Lũ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội là một ví dụ. Cụ thể vào trưa ngày 22/9, chiếc máy sấy quần áo được đặt cạnh máy giặt ở ban công nhà bất ngờ bốc cháy.
Nguyên nhân dự đoán ban đầu có thể là do chập điện. May mắn vào thời điểm xảy ra vụ việc, chủ nhà đi vắng, đồng thời đám cháy đã nhanh chóng được dập tắt kịp thời. Ngọn lửa bùng lên chưa quá lớn, mới chỉ làm lan sang một số vật dụng bên cạnh như thau, chậu chứ chưa ảnh hưởng tới chiếc máy giặt bên cạnh.
Trên thực tế, trường hợp máy giặt, máy sấy quần áo bốc cháy không phải là hiếm gặp. Vào năm 2015, sự việc tương tự xảy ra cũng tại một căn hộ chung cư tại TP.HCM. Điều tra ban đầu xác định, đám cháy xuất phát từ máy giặt bên trong căn hộ và được xử lý trong chưa đầy 30 phút sau đó. Hay sự việc gần đây hơn, vào năm 2021.
Chiếc máy giặt đặt tai ban công cũng bị chập điện, từ đó lửa và khói bắt đầu bốc lên từ một căn hộ vào khoảng 3 giờ chiều. Khói bốc lên các căn hộ phía trên, nhiều người hô hào nhau bỏ chạy trong hoảng loạn. Tuy nhiên may mắn cũng không có thiệt hại về người và ngọn lửa cũng được khống chế nhanh chóng.
Nguyên nhân máy giặt, máy sấy quần áo bốc cháy
Nói về nguyên nhân khiến máy giặt, máy sấy quần áo xảy ra tình trạng chập, cháy nguy hiểm, các chuyên gia sản xuất và phân phối có kinh nghiệm lâu năm chỉ ra, nó có thể bắt nguồn từ cả 2 yếu tố chủ quan và khách quan.
Cụ thể, yếu tố chủ quan là từ chính bên trong thiết bị, đã xảy ra hỏng hóc một hoặc nhiều bộ phận, qua thời gian dài dẫn tới thiết bị quá tải, từ đó có hiện tượng chập cháy. Phổ biến nhất là trường hợp buồng quay, lồng máy giặt bị mắc kẹt, không thể hoạt động trơn tru. Các linh kiện ma sát nhiều, nhiệt độ thiết bị tăng cao, từ đó tiềm ẩn tỏa ra mùi khét hay hiện tượng chập, cháy.
Còn yếu tố khách quan là do tác động từ người dùng, từ thói quen sử dụng thiết bị hàng ngày; hoặc do nguồn điện. Ở phần nguồn điện, có thể dây điện từ thiết bị đã bị đứt, từ đó sinh ra hồ quang điện khiến lớp cách nhiệt của dây điện quá tải nhiệt, gây cháy. Hoặc do cầu chì của thiết bị chập chờn, điện áp không ổn định, làm mô tơ nhanh bị nóng. Tình trạng này kéo dài lâu ngày cũng là một trong những nguyên nhân gây máy giặt bị chập cháy nguy hiểm.
Cuối cùng là bởi thói quen của người dùng. Một số người dùng thường xuyên để máy giặt, máy sấy nhà mình hoạt động quá tải, không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, kết hợp với vị trí đặt không hợp lý, quá ẩm ướt. Vì vậy khả năng xảy ra chập cháy lại càng cao.
Với riêng máy sấy quần áo, cũng có một số thói quen sai lầm khác được chỉ ra như người dùng dừng đột ngột chu kỳ hoạt động của máy, cho trực tiếp quần áo còn quá ướt vào thiết bị, không kiểm tra, vệ sinh bộ lọc hay không giám sát thiết bị khi hoạt động...
Ngay khi phát hiện máy giặt hay máy sấy trong nhà xuất hiện mùi khét, khói hay nghiêm trọng hơn là ngọn lửa, việc đầu tiên người dùng cần thực hiện đó là ngắt nguồn điện tổng nhà. Sau đó, nếu có sẵn các thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy thì có thể sử dụng, đồng thời thông báo cho các thành viên khác trong gia đình và ở khu vực lân cận để sơ tán. Cuối cùng liên hệ cho lực lượng chức năng để tiến hành chữa cháy kịp thời.
Máy giặt, máy sấy quần áo là thiết bị quen thuộc trong các gia đình, được sử dụng thường xuyên. Vì vậy các gia đình cũng nên chú trọng đến công việc bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ thiết bị. Thời gian lý tưởng được các chuyên gia đưa ra là khoảng 1-2 lần/năm. Có như vậy, nếu thiết bị xảy ra hỏng hóc thì sẽ được phát hiện kịp thời, ngăn chặn tối đa khả năng xảy ra chập, cháy nguy hiểm.
Hoặc ngay từ bước đầu khi mua máy giặt, máy sấy quần áo, hãy ưu tiên lựa chọn thiết bị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đến từ thương hiệu đảm bảo uy tín, có chế độ bảo dưỡng rõ ràng.
Theo Thu Phương (Phụ Nữ Số)