Tết Trung thu, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng, diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 theo Âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đến hiện tại đã phát triển và lan rộng ở hàng loạt quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore...
Và thứ ấn tượng cũng như không thể thiếu được trong dịp lễ này là bánh trung thu. Trước dịp Tết Trung thu khoảng hơn một tháng, ngay trên các con phố hay trong siêu thị, mọi người sẽ thấy tràn ngập bánh trung thu được đóng gói trong đủ các loại hộp quà to nhỏ, với đa dạng các loại bao bì và hương vị.
Tuy nhiên chỉ ngay sau khi Tết Trung thu kết thúc, những chiếc bánh này cũng ngay lập tức biến mất trong một sớm một chiều. Vậy hàng ngàn hàng triệu chiếc bánh ấy đã đi đâu? Chắc chắn nhiều người sẽ có chung một câu hỏi này.
Người ta sẽ làm gì với bánh trung thu không bán được?
Bán thanh lý giảm giá
Trên thực tế vào đúng ngày Tết Trung thu, nhiều cửa hàng bán bánh bắt đầu hạ giá sản phẩm để cố gắng tiêu thụ mốt số bánh trung thu còn lại trong kho. Đặc biệt tại các siêu thị lớn, chúng sẽ được gom lại thành một khu vực ở vị trí bắt mắt để ai đi qua cũng phải nhìn thấy một lần.
Một nhân viên siêu thị tiết lộ, sau ngày Tết Trung thu, bánh trung thu sẽ rất khó bán. Để bán được nhiều bánh trung thu nhất có thể, các chương trình khuyến mại sẽ diễn ra liên tục và ngày Tết Trung thu sẽ là ngày khuyến mãi cuối cùng.
Sau ngày Tết Trung thu, những chiếc bánh Trung thu không bán hết khi vẫn còn hạn sử dụng, cũng được các nhà bán hàng lên mạng bán trực tuyến với giá thấp để thu hút những người thích ăn bánh Trung thu mua.
Ví dụ, trước ngày Trung thu, một chiếc bánh Trung thu có thể giá 50.000 đồng nhưng sau ngày Tết Trung thu, trên mạng, mua một chiếc bánh Trung thu tương tự có giá dưới 20.000 đồng. Thậm chí có những chiếc bánh từng có giá hàng trăm nghìn chỉ còn thanh lý với giá hàng chục nghìn.
Đối với các nhà sản xuất, miễn là giữ được giá vốn, việc tiêu thụ hết những chiếc bánh Trung thu tồn kho này và thu được lợi nhuận nhỏ cũng là đủ, không gây nhiều tổn thất.
Vì vậy, nhiều người thích ăn bánh Trung thu, sau ngày Trung thu vẫn có thể mua. Họ không chỉ tiết kiệm tiền mà còn có thể chọn được các hương vị mình thích và thưởng thức.
Phân phát cho nhân viên
Nhân viên bán hàng cho biết bánh trung thu "ế" còn có thể được tiêu thụ theo một cách khác. Đó là sẽ được phân phát cho các nhân viên làm phúc lợi vào đúng đêm Trung thu, một cách xử lý mang tính nội bộ của một vài công ty.
Tái chế lại
Tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, số lượng bánh trung thu được bán ra là rất lớn lên tới hàng triệu chiếc nên đôi khi một số nhà sản xuất cũng sẽ nhận về lượng bánh tồn kho khổng lồ. Do đó, một số hình thức "tái chế bánh trung thu" cũng dần xuất hiện.
Quản lý cửa hàng siêu thị cho biết những chiếc bánh Trung thu không bán hết trong siêu thị có thể sẽ được nhà máy thu hồi về. Sau khi thu hồi, những chiếc bánh này được chế biến thành các loại bánh ngọt phù hợp trong trường hợp nguyên liệu làm bánh tốt và có thể tái sử dụng, nhà sản xuất sẽ tái chế bánh Trung thu.
Ví dụ, như những chiếc bánh quy mà chúng ta thường thấy, cùng với đủ các loại bánh ngọt như bánh quy giòn, chúng đều được làm từ nguyên liệu tương tự. Nếu nguyên liệu còn tốt và có thể tái sử dụng, họ sẽ tái chế. Điều này cũng góp phần làm giảm lãng phí.
Bán cho nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi
Một số chiếc bánh Trung thu có thời hạn sử dụng ngắn, trong quá trình vận chuyển và bảo quản, chúng bị vỡ hay hư hỏng. Những chiếc bánh Trung thu này sau đó sẽ được bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, để chế biến thành đủ loại thức ăn cho chăn nuôi… So với các nguyên liệu khác, thức ăn chế biến từ bánh Trung thu không chỉ giàu dinh dưỡng hơn mà còn có hương vị tốt hơn, khiến cho vật nuôi thích ăn hơn.
Bánh Trung thu là một loại bánh đặc biệt, thường chỉ được mọi người ăn vào dịp Tết Trung thu. Điều này dẫn đến việc hàng năm có nhiều bánh Trung thu không bán hết. Tuy nhiên, những chiếc bánh Trung thu này cũng có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, giúp các nguyên liệu của chúng được tận dụng tối đa, phù hợp, từ đó giảm lãng phí.
PN (SHTT)