Có thực sự cần rửa thịt trước khi nấu?
Nghe có vẻ thật khó tin nhưng theo một nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), đối với các loại thịt như thịt bò, thịt lợn hay thịt gia cầm, việc rửa hay tráng qua với nước trước khi nấu thật sự không quá cần thiết.
Giải thích cho quan điểm này, các chuyên gia nói rằng việc rửa có thể khiến vi khuẩn trên bề mặt thịt lan sang những khu vực hay vật dụng khác xung quanh bếp như bồn rửa, bề mặt bàn bếp, các loại bát đĩa, nồi niêu xoong chảo gần đó... Điều này được gọi là lây nhiễm chéo.
USDA thậm chí đã từng thực hiện một nghiên cứu và cơ quan này đã phát hiện rằng có ít nhất 26% người rửa thịt trước khi nấu đã làm lây lan vi khuẩn sang các nguyên liệu khác trong bếp như rau củ quả.
Chuyên trang Food Docs của Mỹ cũng có bài viết trích dẫn rằng, các cơ quan an toàn thực phẩm không khuyến khích người dùng rửa bất kỳ loại thịt nào trước khi nấu. Đương nhiên, điều này áp dụng với các loại thịt được cung cấp bởi các công ty, doanh nghiệp thực phẩm và có đóng gói, bao bì cẩn thận, được bày bán trong các siêu thị hoặc cửa hàng.
Theo Jacques Pepin ở nhiệt độ tương đương âm 9 độ C thì hầu hết tất cả các vi khuẩn trên thịt đã bị tiêu diệt và bạn sẽ hoàn toàn an tâm nếu thịt được bảo quản ở nhiệt độ này.
Trên thực tế, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu sử dụng thịt gà được lấy ra từ trong tủ lạnh một cách trực tiếp mà không qua sơ chế, bởi trên thịt có thể có những mảnh vụn xương nhỏ hay những mảnh bám, trong trường hợp này bạn có thể rửa thịt nhưng phải đảm bảo khu vực rửa thịt và các khu vực xung quanh được dọn rửa sạch sẽ ngay sau đó. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng một mảnh khăn giấy sạch lau khô thịt thay vì rửa chúng.
Rửa thịt thế nào cho đúng?
Trên thực tế, ở Việt Nam, bên cạnh siêu thị và các cửa hàng cung ứng thịt, người dân còn thường mua thịt ở các cửa hàng tại chợ dân sinh. Chúng thường không được đóng gói hay bảo quản trong tủ mát, bởi vậy trong suốt quá trình bày bán tiếp xúc với nhiều bụi bẩn và các loại côn trùng.
Với các loại thịt này, về bản chất khi nấu ở nhiệt độ cao, các vi khuẩn bên trong thịt cũng sẽ được tiêu diệt hết. Tuy nhiên để đảm bảo hơn, người dùng cũng có thể rửa qua trước khi nấu hoặc trước khi cấp đông.
Khi rửa thịt, các chuyên gia khuyên rằng người dùng nên ghi nhớ một số lưu ý nhằm hạn chế tối đa việc khiến vi khuẩn bị lây nhiễm chéo, ảnh hưởng tới các loại thực phẩm khác cũng như vệ sinh chung của căn bếp. Đầu tiên đó là hãy đảm bảo chuẩn bị một bồn rửa hoặc khu vực rửa riêng biệt dành cho thịt sống, không đặt các vật dụng bếp sạch hay các loại thực phẩm sạch, rau củ quả khác gần đó.
Thứ 2 đó là chỉ nên rửa thịt sống với nước sạch hoặc một ít muối hay pha thành dung dịch nước muối loãng. Người dùng có thể rửa nhẹ hoặc ngâm thịt trong dung dịch này. Khi lấy ra, dùng giấy hoặc khăn mềm thấm sạch sẽ bề mặt thịt.
Không bao giờ nên sử dụng xà phòng hay các chất khử trùng, ví dụ như thuốc tẩy clo dạng lỏng để rửa thịt, cho dù đó là loại thịt nào. Việc rửa thịt bằng xà phòng hay các chất tẩy rửa không đem lại hiệu quả tốt hơn mà ngược lại, nó có thể khiến thực phẩm bị nhiễm độc từ các chất hóa học.
Cuối cùng là sau khi rửa thịt, người dùng hãy vệ sinh lại khu vực bồn rửa và bếp quanh đó một cách sạch sẽ để đảm bảo vi khuẩn không còn tồn đọng và lây lan.
Một số thực phẩm không nên hoặc cần hạn chế rửa trước khi chế biến
Bên cạnh thịt, các chuyên gia cũng đưa ra thêm 1 số cái tên không được khuyến khích rửa trước khi chế biến bởi cũng có thể dẫn tới lây lan vi khuẩn hay ảnh hưởng tới chất lượng món ăn.
1. Trứng
Trứng là một trong số các thực phẩm không nên rửa trước khi chế biến. Các chuyên gia nói rằng bề mặt quả trứng có một lớp màng phủ tự nhiên, công dụng là ngăn ngừa vi khuẩn có hại xâm nhập qua những lỗ nhỏ li ti trên vỏ trứng để đi vào trong. Việc rửa trứng sẽ vô tình khiến lớp vỏ này bị suy giảm hoặc mất đi, từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho trứng.
Thêm vào đó, vỏ trứng thông thường cũng chỉ bỏ đi, bởi vậy việc rửa trứng trong thực tế thực sự là không cần thiết. Trường hợp trứng người dùng định luộc mà vỏ có vết bẩn thì vẫn có thể rửa sạch nhưng cần luộc ngay, không bảo quản lại kẻo trứng dễ bị hỏng.
2. Mỳ Ý
Nếu người dùng có thói quen rửa mỳ Ý trước khi nấu thì cũng nên cân nhắc bỏ qua bước này. Bởi lẽ các loại mỳ Ý trước khi được đóng gói đều đã được xử lý qua nhiều khâu, được làm sạch một cách nghiêm ngặt.
Việc rửa không chỉ gây mất thời gian, công sức cho con người và còn khiến mất đi lớp tinh bột trên bề mặt các sợi mỳ. Điều này có thể khiến mỳ ít hấp thụ được các loại gia vị, từ đó suy giảm chất lượng của thành phẩm món ăn.
3. Nấm
Nghe có vẻ thật kỳ lạ nhưng nấm cũng được liệt vào danh sách không nên hoặc hạn chế rửa trước khi chế biến. Nếu muốn làm sạch, người dùng chỉ nên rửa nấm qua một lần với nước.
Bởi dưới tác động mạnh, nhiều của nước, nấm có thể bị nát, mất ngon nếu dính quá nhiều nước. Với các loại nấm được trồng an toàn, tưới bằng nước sạch và trong môi trường khép kín đảm bảo, không có quá nhiều bụi bẩn thì việc rửa được xem là không cần thiết.
Theo Phương Nghi (Giadinh.suckhoedoisong.vn)