Một tháng trở lại đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A, chỉ sau ít ngày đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng. Có trường hợp phổi trắng xóa trên phim chụp X-quang, tổn thương phổi tới 60%, lan tỏa hai bên.
Theo Dân Trí đưa tin, trường hợp bà M., 59 tuổi, sống tại Thái Nguyên xuất hiện tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi. Dấu hiệu tưởng rằng chỉ là cảm sốt thông thường lại là khởi đầu cho lần đổ bệnh "thập tử nhất sinh" của người phụ nữ này.
Một ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, bà M. đối mặt với tình trạng tức ngực, khó thở.
Thời điểm được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dù chỉ mới ngày thứ ba của bệnh, bà M. đã bị suy hô hấp phải thở oxy. Hai ngày sau khi nhập viện, tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng khiến các bác sĩ phải đặt ống thở máy.
Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bà M. có bệnh nền béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp. Do đó, khi bị cúm A đã tiến triển rất nhanh, đặc biệt là tổn thương ở phổi.
"Ở thời điểm hiện tại, tình trạng phổi của bệnh nhân vẫn rất kém, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thở máy. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn gặp tình trạng sốc nhiễm trùng, phải duy trì thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp cho bệnh nhân", BS Phúc cho hay.
Tương tự như bà M., chỉ sau 4 ngày xuất hiện những triệu chứng, ông A. đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng.
Qua điều tra bệnh sử, ông A. có rất nhiều bệnh nền như suy thận mạn tính, cao huyết áp, tiểu đường, biến chứng tai biến mạch máu não.
Bệnh nhân có tình trạng "phổi trắng" trên phim chụp X-quang, tổn thương phổi 50-60% và tổn thương lan tỏa hai bên.
"Tổn thương phổi là tình trạng nặng nhất của bệnh nhân ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh thở máy, chúng tôi cũng phải tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Ngoài việc kiểm soát kiềm toan cho bệnh nhân suy thận, việc này còn giúp lọc bỏ bớt cytokines, vốn là tác nhân dẫn tới các tổn thương điển hình", BS Phúc phân tích.
Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, các chức năng về hô hấp của bệnh nhân đã được hỗ trợ bằng máy thở, tạm thời ổn định nhưng tiên lượng vẫn rất nặng nề, cần có thời gian điều trị lâu dài.
Theo VnExpress thông tin, một tháng qua, số ca cúm A vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng so với trước. Đầu tháng 1, bệnh viện đang điều trị hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, trong số đó có 8 ca mắc bệnh lý nền. Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, 3 trong số 4 ca cúm A nặng phải thở máy và đều có bệnh nền.
Cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống các loại cúm thông thường, nhưng biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và lan rất nhanh. Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi. Đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh là qua đường giọt bắn. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, giọt bắn sẽ chạm vào miệng, mũi của người đối diện khiến mắc bệnh, hoặc cũng có thể do chạm vào đồ dùng có dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.
Triệu chứng thường gặp của bệnh gồm đau họng và ho, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sốt và ớn lạnh, nhức đầu và nhức mỏi cơ thể, cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Bác sĩ Phúc cho biết hai nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Người mắc các bệnh nền liên quan trực tiếp đến hô hấp là tim mạch (cao huyết áp, bệnh mạch vành) và phổi (viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính). Do đó, cơ địa bệnh nền là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân cúm A diễn biến nặng rất nhanh.
"Cúm A đang vào mùa, một phần do diễn biến thời tiết rét muộn của năm nay", bác sĩ Phúc nói, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan. Tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, hạn chế đến nơi đông người, đảm bảo vệ sinh là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.
PN (SHTT)