Nhiễm trùng máu khi mắc cúm A

06/05/2023 15:08:48

Một cậu bé người Campuchia được chuyển đến TP.HCM trong tình trạng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, tổn thương gan cấp. Kết quả test nhanh xác nhận em bị cúm A.

Ngày 6/5, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết bệnh nhi hơn 3 tuổi người Campuchia đã trải qua 1 tháng điều trị để tìm lại chức năng phổi.

Thời điểm nhập viện, bé bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết kèm tổn thương gan cấp. Bé sốt cao liên tục, ho đàm và thở mệt tăng dần cần phải hỗ trợ hô hấp. Kết quả phim X-quang ngực cho thấy cậu bé có tổn thương phổi 2 bên.

Các bác sĩ tiến hành test nhanh và xác nhận trẻ bị nhiễm cúm A, chủng H1. Bệnh nhi được chuyển từ Khoa Nội tổng hợp đến Khoa Nhiễm và phải đặt nội khí quản, thở máy. 

Nhiễm trùng máu khi mắc cúm A
Bệnh nhi nhiễm cúm A được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC.

Do thể trạng suy dinh dưỡng, tình trạng phổi xấu, việc điều trị cho bé có nhiều thách thức. Bệnh nhi phải thở máy với thông số cao, truyền dịch, dùng thuốc kháng virus và kháng sinh, hỗ trợ nuôi ăn, nâng cao thể trạng. 

Sau thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhi vượt qua biến chứng viêm phổi nặng, cai máy thở. Hiện nay bé có thể khí trời, hô hấp ổn định, ăn uống tốt qua đường miệng. Các bác sĩ nhấn mạnh, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng nguy cơ dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm cúm. Cha mẹ có thể phòng ngừa chủ động bằng cách tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm cho trẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm A là loại bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm A gây ra, rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc. 

Cúm A thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể cgây biến chứng nguy hiểm ở  người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp. 

Trong đó, biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người trên 65 tuổi, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…. Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một số trường hợp cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Do đó khi có dấu hiệu mắc bệnh cúm người dân nên đến các cơ sở y tể để được chẩn đoán và điều trị. 

Theo Linh Giao (VietNamNet)