Nỗi đau “câm nín”
Khi nói đến bạo hành gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến những người vợ, những người phụ nữ chân yếu tay mềm, chịu hậu quả bởi những cú bạo lực của chồng nhưng thời nay, điều ấy không hoàn toàn là vậy…
Những người đàn ông, những người một thời "hô mưa gọi gió" cũng đã trở thành nạn nhân của bạo lực bên cạnh số đông phụ nữ chịu bạo hành.
Trường hợp của anh Mạnh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Mặc dù anh Mạnh là người nổi tiếng gia trưởng lại khó tính nhưng đúng là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Anh lấy phải cô vợ đành hanh. Ngày yêu nhau, lúc nào vợ anh cũng tỏ ra mềm mỏng, nhẹ nhàng tình cảm, thậm chí anh nói gì là nghe răm rắp. Đến mẹ anh là người khó tính vô cùng cũng bị cô ta thuyết phục.
Về làm dâu được 2 tháng, lúc nào mẹ chồng cũng một lời con dâu, hai lời con dâu vì vợ anh ra vẻ rất biết tính toán tiền bạc, lo toan kinh tế gia đình. Vậy là tự dưng, cậu con trai ra rìa. Mỗi tháng đi làm về, vợ anh lại chìa tay ra xin tiền, như là một khoản bắt buộc mà anh phải giao nộp. Anh Mạnh không tính toán điều đó mà thậm chí còn lấy làm mừng vì vợ mình được lòng mẹ. Dù sao anh cũng bớt đi cái nỗi lo mẹ chồng nàng dâu.
Nhưng gần đây, không hiểu sao vợ anh đổi tính đổi nết hay tại bản tính đến bây giờ mới bộc lộ. Lúc nào cô cũng đay nghiến rằng anh đi làm về, lương lậu không để cho vợ con hưởng thụ, lúc nào cũng đưa cho mẹ. Nhưng anh nào có thế. Anh làm được 10 triệu thì đã đưa cho cô đến 8 triệu. Số còn lại anh còn phải để tiêu pha, quà cáp rồi bạn bè. Vậy mà vợ anh không nghe, cứ cho rằng anh mang tiền đi cho gái, cho anh em họ hàng hết.
“Có nhiều lần cô ấy đánh rồi còn dọa là sẽ ly hôn, rồi làm um mọi chuyện lên vì cho rằng tôi dùng tiền tiêu pha linh tinh, không lo cho gia đình khiến tôi thật sự rất mệt mỏi”, anh Mạnh buồn rầu chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Hải (Nam Định) còn chia sẻ rất thật rằng, thi thoảng anh bị vợ dọa đánh và thậm chí là đã từng tát anh mấy lần khi anh cầm chìa khóa két sắt, giấu tiền không cho vợ lấy đi đánh lô đề. Có lần tự tay đánh chồng chán, vợ Hải lại còn tụ tập thêm chị em chiến hữu ở đâu về để đánh hội đồng, bắt Hải phải "nhả" tiền ra thì mới chịu dừng tay.
Nam giới bị bạo lực gia đình ngày càng tăng
Ngày 22/5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Báo cáo nêu rõ năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ (năm 2002 cơ quan chức năng cho biết có hơn 4.454 vụ).
Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm có 2.628 nữ và 565 nam.
So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước.
Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Báo cáo do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký cho rằng trên thực tế nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, vì cho rằng đó là chuyện bình thường, xấu chàng hổ ai.
Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.
Điều này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực.
Cũng theo báo cáo, tổng số người gây bạo lực gia đình năm 2023 là 3.208 người, trong đó nam giới là 2.677 người, còn nữ giới là 531 người. Số người gây bạo lực gia đình chịu các hình thức xử lý là hơn 2.900 người. Trong đó, có 129 người bị xử lý hình sự.
Theo Thúy Ngà (Gia Đình Việt Nam)