Người Hàn Quốc ăn kim chi mỗi ngày: Tác dụng như thế nào?

25/08/2023 07:00:32

Kim chi chứa men vi sinh và nhiều chất dinh dưỡng giúp phòng chống bệnh cảm cúm thông thường, tốt cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên, một số người có bệnh mạn tính không nên ăn.

Làm từ rau muối lên men, kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc. Loại thực phẩm này đậm đặc chất dinh dưỡng, chứa men vi sinh, có thể hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm viêm. 

Trước đây, không phải lúc nào người dân cũng có thể trồng đủ rau ăn quanh năm. Bởi vậy, họ đã phát triển các phương pháp bảo quản thực phẩm, như muối chua lên men - quy trình sử dụng enzym để tạo ra các biến đổi hóa học trong thực phẩm. 

Kim chi thường muối từ cải thảo với cà rốt, hành, tỏi, ớt, táo, lê thêm đường, muối. 

Kim chi là món ăn hằng ngày ở Hàn Quốc. Ảnh: Medmunch

Giá trị dinh dưỡng

Kim chi chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại ít calo. Cải thảo - thành phần chính của kim chi - có vitamin A và C, ít nhất 10 loại khoáng chất khác nhau và hơn 34 axit amin.

Vì kim chi rất đa dạng về thành phần nên giá trị dinh dưỡng thường khác nhau. Theo Healthline, ước tính 150g kimchi có 23 calo, 4g carb, 2g protein, dưới 1g chất béo, 2g chất xơ, 747mg muối, vitamin B6 (19% nhu cầu hằng ngày), vitamin B9 (20%), vitamin C (22%), vitamin K (55%), sắt (21%), riboflavin (24%). 

Chứa men vi sinh

Thực phẩm lên men không chỉ có thời hạn sử dụng kéo dài mà còn có vị chua, giúp ăn cơm ngon hơn. Quá trình lên men xảy ra khi tinh bột hoặc đường chuyển thành rượu hoặc axit, đồng thời tạo ra môi trường cho phép các vi khuẩn thân thiện phát triển và nhân lên, bao gồm men vi sinh có lợi cho sức khỏe. 

Nhờ đó, người ăn kim chi có thể phòng chống được cảm cúm thông thường, táo bón, bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, ung thư. 

Tăng cường hệ miễn dịch 

Vi khuẩn Lactobacillus trong kim chi có thể tăng cường sức khỏe miễn dịch của bạn. Trong một nghiên cứu trên chuột, những con được tiêm Lactobacillus plantarum có trong kim chi và các thực phẩm lên men khác nhận được tác dụng hạ mức độ viêm nhiễm khối u. 

Mặc dù kết quả này đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu trên con người. 

Các gia đình có thể muối kim chi từ nguyên liệu bán nhiều ngoài chợ. Ảnh: Medmunch

Có thể giảm viêm

Men vi sinh và các hợp chất hoạt động trong kim chi và các thực phẩm lên men khác có thể giảm viêm. Nghiên cứu trên chuột chứng minh, HDMPPA, một trong những hợp chất chính trong kim chi, cải thiện sức khỏe mạch máu bằng cách ức chế viêm. 

Trong một phân tích khác trên chuột, chiết xuất kim chi được dùng ở mức 200mg mỗi kg trọng lượng hằng ngày trong 2 tuần làm giảm mức độ của các enzym liên quan đến viêm nhiễm. 

Trong khi đó, phân tích ống nghiệm xác nhận HDMPPA thể hiện các đặc tính chống viêm bằng cách ngăn chặn giải phóng các hợp chất gây viêm. 

Hỗ trợ giảm cân

Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 22 người thừa cân cho thấy ăn kim chi giúp giảm mỡ, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI). Ngoài ra, thực phẩm lên men còn làm giảm lượng đường trong máu. 

Dù vậy, các nhà khoa học chưa khẳng định chắc chắn đặc tính nào của kim chi liên quan tới tác dụng giảm cân. Lượng calo thấp, hàm lượng chất xơ cao và men vi sinh đều có thể đóng một vai trò nào đó.

Nhược điểm

Mối quan tâm lớn nhất với kim chi là ngộ độc thực phẩm bao gồm E. coli và norovirus. Do đó, những người sức khỏe không tốt nên thận trọng với loại thực phẩm này. 

Kim chi có thể tốt cho những người khỏe mạnh nhưng với người có các bất ổn đường tiêu hóa, dạ dày, huyết áp cao, đây không phải lựa chọn tốt. Lý do là kim chi có vị chua và chứa một hàm lượng muối cao. 

Theo An Yên (VietNamNet)