Khi nói về nguyên nhân gây ung thư thực quản, hầu hết mọi người thường tập trung vào thói xấu khi ăn uống. Đó cũng là lý do khi ông Chu phát hiện mắc phải bệnh này, bản thân ông và tất cả mọi người xung quanh đều bất ngờ. Bởi vì ông Chu ăn uống lành mạnh, không hút thuốc cũng không uống rượu, còn tập thể dục gần như mỗi ngày.
Ông Chu ngoài 50 tuổi, đã về hưu và sống cùng gia đình con trai cả tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Theo lời ông kể, ông vốn là một người nói rất nhiều nên cảm thấy rất bức bối khi bị viêm họng dai dẳng gần tháng trời dẫn tới khó khăn khi nói. Lúc đầu, ông cảm thấy khó chịu trong cổ họng giống như có thứ gì đó mắc kẹt. Tiếp theo là ho khan, khàn tiếng và có đờm màu vàng dai dẳng.
Sau nhiều lần tự mua thuốc về uống, triệu chứng của ông không những không thuyên giảm mà còn ngày càng nặng. Bao gồm đau họng, khó nuốt rõ ràng, sốt, đau sau vùng xương ức cùng tức ngực, đôi khi khó thở. Lúc này, ông Chu mới chịu cùng con trai tới một phòng khám tai mũi họng trong thành phố. Kết quả bác sĩ cho biết bệnh của ông không phải viêm họng hay vấn đề đường hô hấp thông thường mà có khối u ở thực quản, nên tới bệnh viện lớn hơn để làm sinh thiết.
Cảm xúc đầu tiên của ông Chu là cho rằng vị bác sĩ tư này lo quá xa, chẩn đoán nhầm. Bởi ông vốn có sức khỏe tốt, tiền sử gia đình nhiều đời chưa ai mắc ung thư, sống cũng rất lành mạnh. Đến khi bác sĩ Vương Khang Ninh thuộc Bệnh viện ung thư tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đưa ra chẩn đoán chính thức là ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản giai đoạn 3 ông mới bàng hoàng đến mức ngã quỵ ngay tại chỗ.
Bác sĩ Vương cho biết, đúng là không phải do ăn uống, mà sai lầm khi đánh răng hàng ngày mới là nguyên nhân ông Chu mắc căn bệnh ung thư này. Cụ thể, ông Chu có hàm răng lộn xộn nhưng lại lười đánh răng từ khi còn trẻ. Ông thường chỉ đánh răng một lần mỗi ngày vào buổi sáng, rất ghét việc đánh răng trước khi đi ngủ dù có ăn đồ ngọt hay nhiều dầu mỡ vào buổi tối.
“Nguyên nhân gây ung thư thực quản tương đối phức tạp và nói chung là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố. Ở bệnh nhân này, vệ sinh răng miệng kém là yếu tố sâu xa dẫn tới ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản. Bệnh sử của bệnh nhân từng mắc nhiều bệnh răng miệng khác như như viêm nha chu, sâu răng, mất răng… Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mất răng, đánh răng không thường xuyên và sức khỏe nha chu kém cũng là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản. Mất răng nghiêm trọng làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản lên 1,5 lần.
Bệnh nhân bị viêm nha chu nặng và tái phát nhiều lần. Trong bệnh này có mầm mống gây ung thư thực quản đó là vi khuẩn Porphyromonas gingivalis. Ngoài ra, bệnh nhân thường chải rất mạnh, đánh răng lâu vào buổi sáng nhưng lại rất ít khi làm sạch lưỡi - một nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, thậm chí còn bẩn hơn cả răng” - bác sĩ Vương giải thích.
Ông Chu khi biết được sự thật này vừa xấu hổ vừa ân hận. Ông cũng hối hận vì đã bỏ lỡ nhiều triệu chứng của bệnh ung thư thực quản, cho rằng đó là viêm họng dai dẳng do di chứng từ COVID-19. Dẫn tới khi phát hiện bệnh ở giai đoạn nặng, đã di căn và có tiên lượng rất xấu.
Thông qua trường hợp của ông Chu, bác sĩ Vương cũng nhắc nhở chúng ta nên chú trọng hơn tới cả ăn uống và vệ sinh răng miệng. Bởi vệ sinh răng miệng kém không chỉ gây bệnh răng miệng thông thường mà còn có thể kéo theo rất nhiều vấn đề khác. Ví dụ như bệnh tiểu đường, viêm thận, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và sa sút trí tuệ, các bệnh ung thư khác - nhất là nhóm ung thư miệng.
Bác sĩ Vương nhấn mạnh thêm rằng triệu chứng điển hình của bệnh nhân ung thư thực quản là “khó nuốt tiến triển” . Nói một cách đơn giản, bạn có thể khó nuốt thức ăn khô trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi ăn những thức ăn bán lỏng như cháo và sau đó ngay cả uống nước, nuốt nước bọt. Bên cạnh đó sẽ có các bất thường điển hình như:
- Cảm giác nghẹn nhẹ hoặc thỉnh thoảng khi nuốt thức ăn;
- Chưa ăn mà vẫn có cảm giác như có dị vật trong thực quản;
- Khô họng và đau cổ;
- Cảm giác như thức ăn bị ứ đọng ở một phần nào đó của thực quản khi ăn;
- Đau sau xương ức sau khi ăn;
- Nấc cụt sau khi ăn;
- Ho khan dai dẳng;
- Thay đổi về giọng nói, khàn tiếng, mất tiếng.
Tốt nhất khi gặp phải những khó chịu này, không nên chủ quan mà cần đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Việt Nam)