Chia sẻ về hành trình chiến đấu bệnh ung thư tuyến giáp của mình trên Phụ nữ số, cô gái designer Nguyễn Mai Linh (SN 2001, Thanh Hóa) cho biết bản thân là một trong những bệnh nhân K lạc quan và mạnh mẽ nhất.
"Bạn làm gì vào ngày sinh nhật 22 tuổi?
Với tôi, đó là ngày bước vào phòng phẫu thuật để điều trị ung thư tuyến giáp, mở ra cho tôi 1 hành trình mới trên con đường tự yêu, quan tâm bản thân mình" - Cô nàng designer Nguyễn Mai Linh (SN 2001, Thanh Hóa) nói khi nhớ lại hành trình chiến đấu bệnh ung thư của mình.
Trước khi mắc bệnh, Mai Linh được đánh giá là cô gái khỏe mạnh, yêu đời, gia đình không có tiền sử bệnh. Do đó, chính cô cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ phải đối diện với căn bệnh ung thư khi ở độ tuổi rất trẻ.
Mai Linh kể, biểu hiện đầu tiên của cô là nuốt vướng ở cổ. Khi đi khám tai mũi họng, cô được chẩn đoán bị loạn cảm họng, bị stress do thức đêm nhiều... Chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt là mọi triệu chứng sẽ được giảm bớt.
Tuy nhiên, một thời gian sau tình trạng nuốt vướng không giảm, thậm chí cô còn thấy có cảm giác bốc hỏa giữa đêm, tính cách thay đổi thất thường, dễ bị kích động, tay chân run, đánh trống ngực, khó thở... Mai Linh quay trở lại bệnh viện, lúc này cô nhận chẩn đoán cùng lúc 2 vấn đề: Một là chỉ số men gan của cô tăng cao lên trên 300 (trong khi ở người bình thường chỉ khoảng dưới 40), hai là cô đang có một nhân tuyến giáp nghi ngờ ung thư và cần chọc sinh thiết.
3 ngày sau, cô gái trẻ được bác sĩ đưa kết quả khẳng định mắc ung thư tuyến giáp. Dù đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng cô gái 22 tuổi không tránh khỏi cảm giác lo lắng khi biết mình mắc bệnh: "Hôm ấy em đi khám bệnh một mình. Lúc nhận kết quả là cuối giờ chiều rồi, mọi người về hết, cả khoa còn mỗi mình em ngồi chờ bác sĩ, em đã ngồi khóc suốt 30 phút. Em chỉ khóc đúng 30 phút đó thôi, rồi bình tĩnh lại và nghĩ đến việc mình cần làm những gì tiếp theo. Em quyết định từ sau hôm nay, cuộc sống của mình chỉ được là những ngày vui".
Sau khi kiểm soát được tình trạng men gan cao, Mai Linh được bác sĩ sắp xếp lịch phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của Linh tiến triển khá tốt, tuy nhiên cô cần nằm viện theo dõi lâu hơn những ca bệnh khác do có chỉ số men gan cao, đồng thời đã cắt toàn bộ tuyến giáp. Ngoài ra, Linh cũng được chỉ định uống iod phóng xạ để điều trị bệnh triệt để. Đồng thời, sử dụng hormone tuyến giáp hàng ngày.
Mai Linh tự nhận xét bản thân là một trong những bệnh nhân K lạc quan và mạnh mẽ nhất. Cô gái trẻ cho biết, ngay sau khi biết mình mắc bệnh cô đã chủ động tìm hiểu chi tiết về căn bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú mà mình mắc phải. Khi đã nắm được hết thông tin về tình trạng của bản thân, cũng như phác đồ điều trị, Linh tự động viên bản thân: "Như vậy cũng khá may mắn vì mình đã mắc loại ung thư có tiên lượng tốt. Nhiều người nói ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư hạnh phúc, vì khá là nhẹ nhàng, không quá đau đớn".
Đồng thời, Mai Linh nhắn nhủ đến các bạn trẻ hãy biết quan tâm đến sức khỏe, hãy kịp thời thay đổi những thói quen không tốt trong cuộc sống.
4 thói quen giới trẻ nên từ bỏ để phòng bệnh ung thư
Không nên tự ý mua thuốc uống
Mai Linh nói, trước đây cô thường có thói quen uống thuốc vô tội vạ, mua thuốc theo triệu chứng mà không tìm ra căn nguyên của vấn đề... Bây giờ cô nhận ra, sai lầm này có thể khiến bản thân phải sử dụng những loại thuốc không cần thiết, nhất là có thể sẽ phải lạm dụng kháng sinh. Với những người mắc bệnh ung thư, việc tự ý mua thuốc và điều trị triệu chứng sẽ rất nguy hiểm, vì người bệnh sẽ bỏ qua bước khám bệnh và vô tình bỏ lỡ cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm.
Từ bỏ thức khuya
Làm công việc designer nên Linh thường có thói quen thức khuya: "Công việc cần sự sáng tạo nên em thường thích làm việc vào ban đêm để tăng sự tập trung. Tuy nhiên sau khi mắc bệnh em đã thu xếp để đi ngủ sớm hơn vì em biết thức khuya sẽ rất hại cho sức khỏe".
Ăn uống khoa học
Mai Linh khuyên các bạn trẻ nên tự nấu ăn ở nhà, không nên đặt đồ ăn bên ngoài vì thường sẽ là những món ăn không tốt cho sức khỏe như chiên, xào, nướng... Đồng thời, mọi người cũng nên từ bỏ thói quen ăn đêm vì gây tăng cân, tăng nguy cơ ung thư.
"Ăn khuya, ăn đồ chiên rán... là những thói quen không tốt. Nhiều người nghe xong tặc lưỡi bảo, chắc không sao đâu. Nhưng em nghĩ hậu quả là sớm hay muộn thôi, từ ngày biết mình mắc K tuyến giáp, em cũng hạn chế ăn đồ bên ngoài, thường cố gắng tự nấu cơm tại nhà", Linh nói.
Từ bỏ thói quen uống nước ngọt
"Sau khi biết mình bị K, em gần như bỏ hoàn toàn nước ngọt. Từ ngày bị bệnh, em biết quý trọng sức khỏe hơn, vì thế quyết định cắt giảm những món không tốt, không có lợi", Mai Linh chia sẻ.
Ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia y tế, ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư tuyến giáp phổ biến và có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư tuyến giáp.
Mặc dù ung thư tuyến giáp là loại ung thư rất thường gặp ở hệ nội tiết, đặc biệt ung thư dạng nhú lại chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng bệnh thường phát triển chậm và có thể phẫu thuật để điều trị triệt căn.
Do đó, nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời ở giai đoạn sớm thì bệnh lý này có thể được xem là không quá nguy hiểm đến sức khỏe bệnh nhân.
Triệu chứng ung thư tuyến giáp thể nhú
Tăng kích thước của tuyến giáp: Đây là một triệu chứng chính của bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú. Tuyến giáp có thể trở nên lớn hơn và cảm thấy cứng hơn khi chạm vào.
Khó nuốt, khó thở đi kèm cảm giác đau: Khi tuyến giáp lớn hơn có thể gây ra cảm giác khó thở hoặc khó nuốt, đồng thời gây ra cơn đau cho người bệnh.
Tiếng nói khàn: Bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú có thể gây ra khối u ở trong tuyến giáp, gây áp lực lên dây thanh âm và gây ra tiếng nói khàn hoặc biến dạng giọng nói.
Di căn hạch ở cổ: Trường hợp thường gặp là hạch nhóm VI ở thể rắn, không gây cảm giác đau và có thể di động được khi hạch chưa xâm lấn. Đáng chú ý, có khoảng 1/3 bệnh nhân gặp tình trạng khối u lan truyền qua các hạch lympho vùng sang đến phổi.
Ung thư tuyến giáp thể nhú sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống ở bệnh nhân có thể khác nhau phụ thuộc vào dạng ung thư tuyến giáp mắc phải. Theo các chuyên gia y tế, ung thư tuyến giáp thể nhú thường có tiên lượng tốt và khả năng sống sau 5 năm đạt đến 80-90%. Ở các dạng khác thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ từ 50-70% ở thể nang, 40% ở thể túy và thể không biệt hóa chỉ có dưới 50%, thông tin trên Gia đình & Xã hội.
Ung thư tuyến giáp thể nhú là một bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng, dẫn đến việc bệnh nhân thường được phát hiện muộn. Điều đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và khắc phục bệnh. Vì thế, để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe, bạn nên thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đến bệnh viện ngay khi cảm thấy cơ thể có sự bất thường.
PN (SHTT)