Người bị tiểu đường dễ mắc loại ung thư nào?

22/11/2023 15:22:51

Nếu không thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường loại 2, người mắc sẽ có nguy cơ đối diện với hàng loạt biến chứng và nhiều căn bệnh khác, trong đó có ung thư.

VnExpress dẫn thông tin theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, bệnh tiểu đường và ung thư đại tràng có mối liên hệ với nhau. Ba con đường khiến bệnh tiểu đường làm tăng khả năng ung thư đại tràng (ruột kết) gồm: kháng insulin, đường huyết cao và viêm.

Tăng insulin máu: Nồng độ insulin trong máu tăng cao (hyperinsulinemia) do kháng insulin ở bệnh tiểu đường có liên quan với ung thư ruột kết. Insulin là một yếu tố tăng trưởng quan trọng cho các tế bào trong ruột kết. Do đó, quá nhiều insulin trong máu làm tăng lượng yếu tố tăng trưởng, yếu tố này có thể kích thích sự phát triển của tế bào khối u, dẫn đến ung thư.

Tăng đường huyết: Tình trạng này có liên quan đến cả sự phát triển ung thư ruột kết và bệnh thận tiểu đường. Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tế bào, hệ thống miễn dịch và các loại oxy phản ứng. Tất cả đều có thể góp phần phát triển ung thư ở người bệnh tiểu đường.

Cụ thể, nồng độ glucose cao làm tăng sự phát triển và di cư của các tế bào ung thư ruột kết. Tăng đường huyết gây ra căng thẳng oxy hóa và viêm, có thể làm hỏng các thành phần tế bào trong ruột kết và góp phần chuyển đổi tế bào thành ác tính (ung thư). Căng thẳng oxy hóa do glucose cao cũng làm phát triển các biến chứng như bệnh thận tiểu đường.

Người bị tiểu đường dễ mắc loại ung thư nào?
Ảnh minh họa: Internet

Viêm: Tình trạng viêm của cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đều góp phần phát triển khối u và gây ung thư. Các phản ứng viêm trong ruột làm cho hệ vi sinh vật đường ruột trở nên bất thường, dẫn đến phản ứng viêm ruột tồi tệ hơn và hình thành khối u trong ruột kết.

Nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) cũng chỉ ra, mắc tiểu đường làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ruột kết. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao gấp 1,3 lần người không mắc bệnh.

Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức phát hiện ra rằng, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng có mức độ tương tự như có tiền sử gia đình mắc ung thư này. Người mắc tiểu đường dưới 50 tuổi, bệnh nhân tiểu đường type 2 có kiểu gene TCF7L2_rs7903146_T có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn. Biến thể di truyền này làm giảm chức năng của các tế bào beta, giảm tiết insulin để có thể hấp thụ glucose có liên quan tiểu đường và ung thư ruột kết. Béo phì, không hoạt động thể chất, hút thuốc và uống rượu cũng làm tăng nguy cơ các bệnh mạn tính như tiểu đường type 2 và ung thư.

Theo Thanh Niên đưa tin một nghiên cứu công bố trên chuyên san JAMA Network cho thấy những người bị tiểu đường đối diện nguy cơ xuất hiện ung thư đại trực tràng cao hơn trong 5 năm sau đó. Vì vậy, khám sàng lọc thường xuyên đóng vai trò cực kỳ quan trọng với người bệnh tiểu đường.

Nội soi đại trực tràng là một trong những biện pháp phổ biến nhất để xác định xem liệu bên trong đại trực tràng có khối u bất thường hay không. Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng cần thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa ung thư.

Người bị tiểu đường dễ mắc loại ung thư nào? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là 2 thói quen mấu chốt giúp kiểm soát đường huyết, tránh xa ung thư, bệnh tim, đột quỵ cùng nhiều căn bệnh khác. Người bệnh cần ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch và tránh xa các món có nhiều đường, tinh bột và chất béo có hại.

Duy trì tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp kiểm soát đường huyết cực kỳ hiệu quả mà còn giúp giảm cân và có thân hình cân đối, săn chắc, theo Verywell Health.

PN (SHTT)

Nổi bật