Tập thể thao góp phần đẩy lùi nguy cơ đau tim và đột quỵ, giảm triệu chứng bệnh ở người mắc tiểu đường, giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến khích mọi người nên có ít nhất 150 phút hoạt động thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải mỗi tuần.
Người bệnh tiểu đường ít vận động và đang cân nhắc chơi thể thao nên bắt đầu lên kế hoạch tập luyện và hỏi ý kiến bác sĩ. Dưới đây là 10 môn thể thao giúp người bệnh tiểu đường đạt được mục tiêu rèn luyện sức khỏe, theo tờ Healthline (Mỹ).
Đi bộ
Chỉ cần một đôi giày thể thao phù hợp với đôi chân và địa điểm thích hợp, bạn có thể bắt đầu đi bộ ngay. Tương đương với mục tiêu 150 phút hoạt động khi chơi thể dục nhịp điệu, người mắc tiểu đường có thể đi bộ nhanh trong 30 phút, 5 ngày một tuần.
Đi xe đạp
Theo nghiên cứu từ NIH (Mỹ), 1/2 số người mắc bệnh tiểu đường loại hai bị viêm khớp, dẫn đến nguy cơ mắc cả bệnh béo phì. Nếu bị đau khớp dưới, bạn nênân nhắc chọn bài tập có lực tác động thấp bằng cách đi xe đạp. Bộ môn xe đạp có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu thể chất và giảm thiểu vận động quá mức cho các khớp.
Chơi thể thao đồng đội
Nếu bạn cảm thấy khó thúc đẩy bản thân rèn thể chất thì có thể tham gia các môn thể thao mang tính tập thể. Có cơ hội giao lưu với đồng đội giúp bạn dễ duy trì thói quen vận động hơn. Các môn thể thao tập thể phù hợp như bóng rổ, bóng đá, quần vợt đôi hoặc trò ném đĩa bay.
Thể dục nhịp điệu (aerobic)
Tham gia thể dục nhịp điệu, khiêu vũ cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động thể chất ở người bệnh tiểu đường. Ví dụ, zumba là môn thể thao kết hợp các động tác khiêu vũ và aerobic có nhịp tập nhanh. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại hai chủ động hình thành thói quen rèn luyện thể chất sau 16 tuần tham gia lớp zumba. Thể lực của họ được cải thiện, cân nặng cũng giảm.
Tập yoga
Theo nghiên cứu của trường Y tế Công cộng, Đại học Tây Virginia (Mỹ), yoga có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường thể hai kiểm soát tốt lượng đường trong máu, mức cholesterol và cân nặng. Tập yoga còn giúp giảm huyết áp, cải thiện chất lượng giấc ngủ và cải thiện tâm trạng.
Tập cử tạ
Tập tạ và các hoạt động tăng cường sức mạnh khác giúp tăng cơ bắp và đốt cháy lượng calories thừa cho cơ thể. Tập luyện sức bền cũng có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Sử dụng máy tập tạ, tạ tay hoặc tập bằng các vật nặng trong nhà như chai nước cũng là gợi ý. Bạn nên cân nhắc tham gia lớp học cử tạ hoặc nhờ huấn luyện viên thể hình chuyên nghiệp hướng dẫn để tham gia tập an toàn và hiệu quả.
Tập với dây kháng lực
Ngoài tập cử tạ, tăng cường sức mạnh cơ bắp với dây kháng lực hỗ trợ người tập luyện nhiều bài tập phong phú. Bạn có thể xem video tập luyện với dây kháng lực, kết hợp vào bài tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên có chuyên môn. Môn thể thao này cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Tập Calisthenics
Đây là bộ môn thể thao sử dụng chính trọng lượng cơ thể để tăng cường cơ bắp. Các bài tập thể dục của bộ môn này bao gồm chống đẩy, kéo xà, gập bụng, squats...
Tập Pilates
Pilates là môn thể thao phổ biến được nhiều người lựa chọn bởi giúp tăng sức mạnh toàn diện và cải thiện sự cân bằng cơ thể. Đối với phụ nữ lớn tuổi mắc tiểu đường loại hai, bộ môn này hỗ trợ cải thiện lượng đường huyết đáng kể.
Bơi lội
Bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước, chạy bộ dưới nước và các hoạt động dưới nước khác có thể giúp tim, phổi và cơ bắp của bạn được rèn luyện sức khỏe. Bơi cũng ít gây căng thẳng cho khớp của người bệnh tiểu đường.
Những lưu ý khi tập luyện thể thao
Người bệnh cần vạch ra mục tiêu luyện tập cụ thể và quyết tâm đạt được. Trong những buổi tập đầu, bạn nên xét nghiệm mức đường trong máu vào thời điểm trước, trong và sau khi tập. Người đang dùng insulin hay thuốc viên trị tiểu đường cũng luôn mang theo kẹo ngọt bên mình phòng khi mức đường trong máu xuống quá thấp có thể sử dụng; mang giày, vớ vừa vặn.
Ngoài ra, người bệnh nên bắt đầu tập luyện theo cách chậm rãi và tăng dần mức độ và thời gian tập. Người bệnh nên duy trì thời gian và ngày tập cố định, ngừng tập nếu cơ thể không khỏe, uống đủ nước để tránh mất nước (cơ thể cần nhiều nước hơn bình thường trong khi tập), nên có khoảng nghỉ ngắn nếu buổi tập kéo dài.
Trước buổi tập
- Chuẩn bị đồ đạc đầy đủ và mang theo những thiết bị phù hợp
- Mặc trang phục, mang giày, vớ phù hợp
- Đem theo chai nước, nón, kem chống nắng, dù...
- Kiểm tra chân
- Kiểm tra đường máu
- Mang theo chút đồ ăn điều trị cơn hạ đường huyết, khởi động đầy đủ và đúng cách
Trong buổi tập
- Người bệnh nên dừng tập khi thấy xuất hiện biểu hiện đau, căng ở ngực, tay, bụng, cổ hoặc cảm thấy khó chịu.
- Nếu xuất hiện tình trạng hụt hơi, xây xẩm, choáng váng hay có những triệu chứng bất thường khác kéo dài khoảng 10 phút, bạn hãy yêu cầu sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Trường hợp các triệu chứng ổn định trong vòng 10 phút, sau buổi tập, bạn cũng cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra trước khi tiếp tục các buổi tập tiếp theo.
- Nếu cảm thấy đau chân, hãy dừng tập cho đến khi hết đau rồi tiếp tục. Người bệnh có thể tăng dần thời gian tập luyện nếu không còn cảm thấy đau nhưng việc điều trị vẫn cần thiết.
- Nếu xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết, hãy ngừng việc tập luyện, kiểm tra mức đường trong máu và khắc phục triệu chứng này. Người bệnh đợi 10-15 phút, sau đó đo lại mức đường huyết và ăn thực phẩm chứa carbohydrate (đường hoặc tinh bột) như bánh mì sandwich, uống sữa hoặc hai bánh quy. Không nên tiếp tục vận động cho đến khi các triệu chứng hết hẳn.
Sau buổi tập
- Kiểm tra bàn chân sau khi tập luyện hoặc ít nhất mỗi ngày một lần để xem xét các dấu hiệu như mẩn đỏ, da mọng nước, nứt nẻ hay có vết chai cứng.
- Kiểm tra mức đường huyết sau khi tập
- Bổ sung nước
Theo chuyên gia, vì cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau nên cần nắm được tình trạng lượng đường trong máu khi tập luyện hay tham gia các hoạt động. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng của hạ đường huyết như ra mồ hôi, ngất xỉu, yếu mệt... xảy ra trong khi tập, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh đơn thuốc, insulin hay kế hoạch ăn uống cho phù hợp. Bạn nên thông báo cho bác sĩ các vấn đề gặp phải khi tập thể dục như các triệu chứng bất thường, cơn hạ đường huyết, vết thương bàn chân...
PN (SHTT)