3 năm lấy chồng, tôi luôn quan niệm sống riêng là tự do tự tại. Chuyện sống chung với mẹ chồng khiến tôi cảm thấy áp lực vì luôn luôn sợ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Chồng tôi vốn là người rất coi trọng bố mẹ. Trước giờ, dù mẹ có sai, anh cũng không nói một lời nào vì sợ mẹ tổn thương. Biết tính chồng, tôi thường xuyên gọi điện hỏi han, quan tâm sức khỏe của mẹ để làm anh hài lòng.
Nhưng thời gian tôi sinh con, công việc vất vả cộng thêm thu nhập ngày một giảm, tôi bàn với chồng nhờ mẹ lên trông giúp cháu. Con nhỏ chưa dám đi nhà trẻ nên chỉ có nhờ bà nội là tôi yên tâm. Tôi cũng từng tính thuê giúp việc nhưng tiền lương, tiền ăn ở cho giúp việc cũng rất tốn mà lại không yên tâm. Bà nội chăm cháu dù sao cũng hơn.
Nghĩ vậy, tôi gạt bỏ mọi lo ngại trước đây, đón mẹ chồng ở quê lên. Ban đầu mẹ không thích ở nhà chúng tôi vì chung cư bí bách, không có hàng xóm láng giềng. Chúng tôi phải động viên nhiều lắm, mẹ mới đồng ý.
Nhưng vì sức khỏe yếu nên từ ngày mẹ ra, tôi thường không dám gửi con cho bà trông buổi tối. Nếu có việc gì phải ra ngoài cấp bách, tôi mới nhờ bà rồi nhanh chóng về.
Con tôi rất nghịch. Nhìn bà “vật lộn” với đứa trẻ, tôi cũng thấy thương. Thế nên nhiều lần tôi nói: “Mẹ chịu khó trông cháu giúp con vài tháng nữa. Khi nào cháu cứng cáp, con gửi cháu đi trẻ. Khi đó mẹ ở nhà cũng thảnh thơi hơn”. Nghe tôi nói vậy, mẹ chồng thở phào: “Khi nào nó đi nhà trẻ thì mẹ về quê chứ ở trên này làm gì có hàng xóm láng giềng mà chơi. Lúc nào các con cần, mẹ lại ra phụ giúp”.
Quả thực từ ngày mẹ ra nhà tôi ở, sức khỏe có yếu đi. Một phần vì mẹ chăm sóc cháu cả ngày, phần vì sức khỏe của mẹ vốn yếu, không hợp ở không gian bí bách. Tôi nói mẹ đưa cháu xuống dưới sảnh chơi nhưng mẹ không chịu. Lúc nào mẹ cũng thích giữ cháu khư khư trong nhà. Cũng vì chuyện này mà nhiều lần tôi với mẹ xích mích.
Từ ngày mẹ ra ở, tôi đã phải điều tiết cảm xúc rất nhiều, cố gắng nói lời hay, ý đẹp, làm vừa lòng mẹ. Có những lúc giận nhưng tôi lại không dám nói, chỉ dám bảo chồng nhắc nhở mẹ. Thức ăn tôi mua, mẹ thường không ăn. Hỏi mẹ thích ăn gì thì không bao giờ mẹ nói. Mỗi tối mẹ chỉ gẩy đũa vài miếng cơm rau rồi lại đứng lên. Tôi biết ý mua đồ tẩm bổ về nhưng mẹ không ăn nên tôi cũng bỏ dần việc đó.
Tháng trước, vì lo lắng con cái, bà cháu ở nhà đang ốm đau, tôi mở camera trong nhà lên xem. Đập vào tai tôi là những lời nói chua cay của mẹ với người dì chồng ở quê. Mẹ kể, ra nhà con dâu sống rất khổ: “Ngày nào chị cũng dậy nấu nướng cho cháu từ sáng sớm. Hai vợ chồng nó cứ ngủ trương thây đến tận 7h mới dậy. Mà cái T. (tên tôi) còn không biết chăm con, con ốm cũng không cho uống thuốc hạ sốt. Tối thì 19h vợ chồng nó mới về nhà, cơm nước lại một mình chị lo.
Nhiều hôm vợ chồng nó đi chơi, một mình chị ở nhà nấu nướng ăn cũng tủi thân lắm. Con cái ăn sung ăn sướng còn mình thì ở nhà ăn cơm nguội. Sáng ra chúng nó đi hàng ăn phở còn mình cũng làm bát cơm nguội rưới nước mắm cho xong. Nhắc tiết kiệm thì con cái phật lòng.
Từ ngày ra nhà chúng nó ở, chị sụt mấy cân, người gầy rộc đi, ốm đau suốt ngày mà chẳng có gì ăn. Cơm canh chúng nó ăn khác mình lắm, chị không nuốt được em ạ. Chỉ mong thằng cháu đi học để chị về quê chứ sống thế này thì chết non. Ốm đau cũng không có ai quan tâm mình, tủi thân lắm em ạ”.
Nghe đến đây, nước mắt tôi cứ trào ra không sao ngăn lại. Tôi không dám tin mẹ chồng hiền lành tôi kính trọng lại có thể thốt ra những lời nói đó. Tôi chưa từng bắt mẹ ăn cơm nguội. Sáng nào tôi cũng mua đồ trong chung cư, bảo họ treo tận cửa nhưng mẹ không chịu ăn vì tiết kiệm.
Hơn nữa, mẹ thường xuyên chê đồ ăn tôi nấu không ngon nên tôi bảo mẹ ăn gì thì mua. Tính mẹ tiết kiệm nên chỉ có cơm rau với thịt lợn. Mua món lạ thì mẹ không ăn được mà giờ mẹ lại đổ tội cho con dâu không chăm sóc mình. Lần nào đi nhà hàng, tôi cũng bảo mẹ đi cùng nhưng mẹ khăng khăng không chịu thì tôi phải làm sao?
Nhà xa, hai vợ chồng từ công ty về nhà cũng không thể đi nhanh vì tắc đường. Mẹ không hiểu lại buông lời trách cứ, nói con la cà. Mẹ mang chuyện con dâu xấu xa như vậy kể với dì ở quê thì liệu họ hàng nhà chồng sẽ nghĩ gì về tôi?
Tôi khóc như mưa, mang chuyện kể với chồng. Lần này anh rất hiểu và chia sẻ với vợ. Nhưng anh cũng động viên tôi bình tĩnh xử lý để không làm to mọi chuyện. Từ hôm đó, tôi cũng không nói gì với mẹ chồng. Trong đầu tôi chỉ nghĩ nhanh chóng cho con đi học để mẹ về quê. Sau trận này, dù nghĩ thế nào tôi cũng không thể kính trọng mẹ chồng như trước được nữa.
Thanh Hà (Hà Nội)
Theo VietNamNet