1. Chồng qua đời đột ngột, mẹ chồng lo lắng cho tương lai của con dâu
Người phụ nữ họ Vương này năm nay 31 tuổi, sống tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Cô gặp người chồng đầu tiên của mình là anh Lý vào năm 2011 và tổ chức kết hôn vào năm 2012. Họ có với nhau một cậu con trai và một bé gái.
Anh Lý là tài xế xe tải, thường xuyên phải di chuyển đường dài. Hiểu được sự vất vả của chồng, Vương luôn cố gắng chu toàn việc chăm sóc con cái, gia đình. Vợ chồng cô tương kính như tân, sống cuộc sống rất hạnh phúc. Nhưng không may, năm 2020, anh Lý đột ngột qua đời vì một tai nạn. Vương trở thành góa phụ khi còn rất trẻ.
Ngày tháng trôi qua, Vương chỉ biết lấy hai đứa con làm động lực sống. May mắn thay, mẹ chồng cô rất ân cần, thường xuyên giúp đỡ cô chăm sóc con cái. Bà cũng hiểu, con dâu mình còn trẻ, việc ở vậy nuôi con thực sự là viển vông, tái hôn chỉ là câu chuyện sớm hay muộn.
Vấn đề là sau khi con dâu tái giá, những đứa cháu của bà sẽ phải làm sao? Nếu con dâu để chúng ở lại thì lũ trẻ sẽ sống thiếu cha mẹ, ai sẽ là người chăm sóc chúng đến khi trưởng thành? Nếu con dâu đưa lũ trẻ đi cùng, liệu người chồng sau này có đối xử tử tế với đứa con không chung dòng máu với mình? Những câu hỏi này luôn khiến mẹ chồng phải suy nghĩ.
“Nếu tái hôn mà con con phải khổ thì nhất định con sẽ không làm. Con không thấy mình khổ sở gì cả. Con sẽ không để con cái mình phải chịu thiệt thòi”, Vương quả quyết.
Nghe được những lời của con dâu, bà rất cảm động, không khỏi tiếc cho con trai mình duyên trần ngắn ngủi. Bà chợt nghĩ, mình còn một người con trai tên Tiểu Lộ chưa vợ, kém Vương 3 tuổi. Thay vì lo người khác ngược đãi cháu trai mình, chi bằng để con dâu đến với con mình chẳng phải hơn sao. Vậy là đẹp cả đôi đường!
2. Cân nhắc lời khuyên của mẹ chồng
Người phụ nữ sau khi nghe lời khuyên của mẹ chồng cũng cảm thấy rất khó nghĩ. Nhưng nếu tái hôn với người khác, con cái cô sẽ không được chăm sóc chu đáo, để con lại với nhà nội thì cô không đành lòng. Trong khi đó, nếu cô lấy em chồng thì tất cả vẫn là một gia đình, về cơ bản không có quá nhiều sự thay đổi. Hơn nữa, việc này cũng giải quyết được vấn đề em chồng chưa cưới vợ, mẹ chồng cô không phải là không có lý.
Thế là 2 năm sau, Vương quyết định tái hôn với em chồng. Sau khi kết hôn, 2 đứa trẻ cũng có mối quan hệ rất tốt với chú. Lúc đầu người phụ nữ sợ các con phải thay đổi nhiều khó thích nghi. Sau một thời gian, cô dần sửa cho lũ trẻ và chúng đã gọi anh là bố.
Khi con trai lớn đi học, Tiểu Lộ sẽ hàng ngày đưa đón. Anh cũng rất kiên nhẫn ở bên khi các con phải đi nhổ răng, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Nếu không biết câu chuyện của gia đình, ai cũng sẽ nghĩ hai đứa trẻ là con ruột của anh. Sau một thời gian quen nhau, họ và những người xung quanh đều vui vẻ với sự thay đổi trong mối quan hệ này.
Đặc biệt sau khi tái hôn với em chồng, mẹ chồng đối xử với Vương càng tốt hơn trước. Chồng cô coi 2 đứa con như con ruột của mình. Hiện tại gia đình họ sống rất hạnh phúc, Vương cũng đang mang thai đứa con đầu lòng của chồng sau. Cô rất biết ơn mẹ chồng vì đã lo lắng cho mình và yêu thương như con gái. Vương đã quỳ xuống để bày tỏ lòng biết ơn của mình với mẹ chồng và cũng thay lời cảm ơn gửi tới bà.
3. Cộng đồng mạng dấy lên cuộc tranh luận khi chị dâu lấy em chồng
Những chia sẻ của Vương về câu chuyện cuộc đời mình làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi của cư dân mạng. Một số người cho rằng, việc tái hôn với em chồng là điều không thể chấp nhận được.
"Mẹ chồng cô Vương có thể giúp đỡ con dâu bằng cách khác, sao lại mối lái con dâu với chính con trai thứ của mình?"
"Không hiểu nổi cô ấy nghĩ gì mà lại đi tái hôn với em chồng. Chẳng phải mẹ chồng chỉ là sợ con dâu mang cháu đi hoặc không ai chăm sóc cháu mình sao?"
Tuy nhiên, nhiều người khác đã thể hiện sự cảm thông và ủng hộ quyết định của gia đình này.
“Tuy rằng tái hôn với em chồng không phải điều phổ biến nhưng suy đi tính lại thì lợi nhiều hơn hại. Hơn nữa, họ hiện tại đều rất hạnh phúc, xem ra mặt mũi đâu quan trọng đến vậy.”
“Họ đâu làm việc gì trái với luật pháp mà phải hổ thẹn? Ở nông thôn việc chị dâu lấy em chồng đâu phải điều gì quá đặc biệt. Chú thành bố, cháu ruột thành con, đều là điều tốt cả.”
“Sao phải từ bỏ lựa chọn tốt như vậy để lấy một người khác? Ý kiến của mẹ chồng quả thực là đúng đắn. Sau khi cưới em chồng, đứa trẻ có quan hệ huyết thống với chú nên ít nhất sẽ không lo bị cha dượng đối xử khác biệt. Mẹ chồng con dâu vốn có mối quan hệ tốt, vậy là quá tốt rồi.”
Theo Bảo Bảo (Tri thức & Cuộc sống)