Một vật 'đầu ấp tay gối' hàng ngày nhưng bẩn gấp 17.000 lần bồn cầu, biết sớm để tránh 'rước' nhiều bệnh nguy hiểm

28/08/2023 10:06:31

Gối đầu chúng ta ngủ mỗi ngày tiếp xúc với tóc, khuôn mặt, hấp thụ rất nhiều dầu và các chất bài tiết khác, có người ngủ còn chảy nước dãi khiến cho vỏ gối trở thành màu vàng, thậm chí thành màu đen. Vậy làm cách nào để làm sạch nó?

Theo báo cáo được công ty AmeriSleep phối hợp Viện Spencer công bố tháng 6 vừa qua, một chiếc vỏ gối chưa giặt có thể chứa 3 triệu vi khuẩn chỉ sau 1 tuần, gấp khoảng 17.000 lần so với một chiếc bồn cầu thông thường. AmeriSleep yêu cầu 3 tình nguyện viên không giặt ga giường và vỏ gối trong khoảng 4 tuần.‏

‏Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về độ sạch của nệm, khăn trải giường và vỏ gối, cũng như phân tích các mầm bệnh tiềm ẩn ẩn nấp trong tấm ga trải giường. Không chỉ vỏ gối, vỏ ga cũng lưu trữ đến 5 triệu vi khuẩn chỉ sau 1 tuần, gấp gần 25.000 lần so với tay nắm cửa phòng tắm.‏

Một vật 'đầu ấp tay gối' hàng ngày nhưng bẩn gấp 17.000 lần bồn cầu, biết sớm để tránh 'rước' nhiều bệnh nguy hiểm
Ảnh minh họa

‏Cứ thêm một tuần không giặt là lượng vi khuẩn trên ga trải giường và vỏ gối đều tăng. Sau khoảng 1 tháng, vỏ gối có tới 12 triệu vi khuẩn và con số này ở vỏ ga là gần 11 triệu. Các nhà khoa học đã tìm thấy cả vi khuẩn có hại và vô hại trong thí nghiệm này. Chủng loại phổ biến nhất là khuẩn que gram âm, được CDC Mỹ cảnh báo gây ra nhiễm trùng và tình trạng kháng kháng sinh. Trực khuẩn Bacilli, "thủ phạm" đằng sau các vụ ngộ độc thực phẩm, cũng được tìm thấy.‏

‏Các chất gây dị ứng, nấm và da chết là một trong những thành phần đáng lo ngại mà bạn không muốn tiếp xúc vào ban đêm. Chúng có thể thu hút mạt bụi, loài bọ có kích thước nhỏ, sống trong bụi nhà ăn các tế bào da bị bong tróc của con người. Chính vì vậy các chuyên gia cảnh báo rằng cụ thể là vỏ gối nên được thay thường xuyên mỗi tuần.‏

‏"Khi đi ngủ, vỏ gối của bạn bị nhiễm bẩn bởi các tế bào da chết (khoảng 50 triệu tế bào mỗi ngày), mồ hôi, phấn trang điểm, nước hoa, tóc và bất cứ thứ gì khác mà bạn tiếp xúc trong ngày, từ phấn hoa, lông thú cưng đến nấm mốc, bụi bẩn", Tiến sĩ Hadley King của ĐH Cornell (Mỹ) nói với Well+Good", "Tế bào da chết và mồ hôi thu hút mạt bại đến giường của bạn và sinh sôi".

‏Mạt bụi sẽ khiến tình trạng dị ứng và hen suyễn của bạn trầm trọng hơn, gây phát ban, kích ứng da. Trong khi đó, mồ hôi của bạn là nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm men, làm tăng nguy cơ kích ứng và nhiễm trùng da, đồng thời cũng có thể góp phần gây ra mụn trên da.‏

Một vật 'đầu ấp tay gối' hàng ngày nhưng bẩn gấp 17.000 lần bồn cầu, biết sớm để tránh 'rước' nhiều bệnh nguy hiểm - 1
Ảnh minh họa

Gối đầu chúng ta ngủ mỗi ngày tiếp xúc với tóc, khuôn mặt, hấp thụ rất nhiều dầu và các chất bài tiết khác, có người ngủ còn chảy nước dãi khiến cho vỏ gối trở thành màu vàng, thậm chí thành màu đen. Vậy làm cách nào để làm sạch nó? Bạn có thể tham khảo 3 cách dưới đây:

1. Phơi nắng trước khi giặt

Tốt nhất là phơi vỏ gối trong nắng hai giờ trước khi giặt, như vậy sẽ hiệu quả hơn để tẩy sạch các vết màu vàng. Sau khi phơi nắng, ngâm vỏ gối trong nước nóng với bột giặt trong hơn một giờ. Sau khi ngâm kỹ lưỡng, giặt lại bằng bột giặt. Nếu vết bẩn vẫn cứng đầu, bạn có thể dùng bàn chải chà xát vài lần.

2. Đun nước sôi

Nếu chất liệu vỏ gối chịu được nhiệt, có thể sử dụng cách đun nước sôi. Cho xà phòng và vỏ gối vào nước nồi nước sôi và nấu trong một thời gian, sau đó giặt lại hoặc chà bằng bàn chải. Nhìn xem vết bẩn có sạch không, nếu chưa hiệu quả chưa đạt thì tiếp tục cho vào nồi nấu tiếp, lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi hài lòng.

3. Dùng thuốc tẩy

Nếu vỏ gối chỉ có một màu hoặc có màu sáng, hơn nữa màu vải nhuộm bền, bạn có thể sử dụng thuốc tẩy ngâm hoặc luộc. Phương pháp này là hiệu quả nhất, triệt để hết vàng. Lưu ý không sử dụng quá nhiều thuốc tẩy trắng trên gối, nếu không chất oxy hóa mạnh quá mức chịu đựng của vải, sau khi tẩy trắng có thể làm vải hoàn toàn thay đổi.

Ngoài ra, vỏ gối là mặt hàng tiêu dùng, hai hoặc ba năm cần được thay thế, như vậy mới tốt cho sức khỏe đường hô hấp.

NT (SHTT)